Đăng ký Doanh nghiệp vào Danh bạ 0915.050.067 - Email: truyenthongcongnghe@gmail.com
DANH MỤC NGÀNH NGHỀ
FANPAGE FACEBOOK
 
Bản in
Toà án nhân dân tối cao
Tin đăng ngày: - Xem: 9476

Toà án nhân dân tối cao

ĐC: Số 48 Lý Thường Kiệt - Hà Nội
Xem bản đồ:
Tel: 04.39363528
Email: tatc@toaan.gov.vn
Website: http://toaan.gov.vn
Đại diện: Chánh án Trương Hòa Bình

Cơ cấu tổ chức:

Theo điều 127 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10; Điều 2 của Luật tổ chức Toà án nhân dân được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 01/04/2002 và Điều 2 của Pháp lệnh tổ chức Tòa quân sự năm 2002 thì ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có các Tòa án  sau đây:

1. Toà án nhân dân tối cao;

2. Các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

3. Các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

4. Các Toà án quân sự (bao gồm Toà án quân sự trung ương; các Toà án quân sự quân khu và tương đương; các Toà án quân sự khu vực);

5. Các Toà án khác do luật định.

Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt.

Căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức của Quân đội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Chức năng nhiệm vụ:

Theo Điều 1 Luật tổ chức Toà án nhân dân được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 01/04/2002 quy định:

 Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự và các Tòa án khác do luật định là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Tòa án xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính và giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật.

 Trong phạm vi chức năng của mình, Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước; của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân.

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước và đầu năm 2000, trong lĩnh vực tư pháp có rất nhiều việc bức xúc, tồn đọng, yếu kém kéo dài. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 53-CT/TW, ngày 21-3-2000 “Về một số việc ấp bách của các cơ quan tư pháp cần thực hiện trong năm 2000”. Thực hiện Chỉ thị này, chúng ta đã giải quyết được một số việc bức xúc cụ thể, tạo bước khởi đầu quan trọng cho nhiệm vụ cải cách tư pháp. Tuy nhiên Chỉ thị 53-CT/TW chỉ mới đề cập một số việc cần phải thực hiện trong hai năm 2000 và 2001. Do vậy để công tác tư pháp có chuyển biến rõ nét về chất, tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc cải cách tư pháp, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”. Thông qua việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết, đã tạo ra được một số chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương về tính cấp thiết và yêu cầu khách quan của việc đẩy mạnh cải cách tư pháp, từ đó đã phát huy và đề cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, huy động lực lượng, tổ chức thực hiện những hoạt động cụ thể của cải cách tư pháp.

            Thực tiễn đất nước ta đặt ra những nhu cầu cải cách tư pháp sâu rộng; phải làm lâu dài, một cách cơ bản. Do vậy, ngày 02-6-2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị là sự kế thừa, phát triển lên một tầm cao mới Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác tư pháp. Nghị quyết 49-NQ/TW thể hiện quyết tâm sâu sắc của Đảng ta cải cách cơ bản, sâu rộng nền tư pháp nước nhà.

            Nền tư pháp Việt Nam là nền tư pháp xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Công tác tư pháp phải quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng. Cải cách tư pháp phải tiến hành đồng bộ với đổi mới lập pháp và cải cách hành chính. Các cơ quan tư pháp phải kiên quyết đấu tranh với các hành vi chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và không được gây nên oan, sai. Cải cách tư pháp phải gắn bó, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mở rộng hội nhập quốc tế.

Nghị quyết 49-NQ/TW nêu rõ: “Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp. Trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân.

Tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm: Tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; Tòa án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; Tòa thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc thành lập Tòa chuyên trách phải căn cứ vào thực tế xét xử của từng cấp Tòa án, từng khu vực. Đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân tối cao theo hướng tinh gọn với đội ngũ Thẩm phán là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm trong ngành.

Nghiên cứu, xác định hợp lý phạm vi thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo hướng chủ yếu xét xử những vụ án về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, những vụ án liên quan đến bí mật quân sự…

Đổi mới việc tổ chức phiên Tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên Tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.

Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã xác định nhiệm vụ ngành Tòa án nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị “về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020” như sau:

Tham gia vào việc “Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, phát luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp”. Cụ thể là: Chủ động nghiên cứu, đề xuất các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới trong chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp theo tinh thần và nội dung của Chiến lược cải cách tư pháp; chủ trì, phối hợp xây dựng các văn bản pháp luật về các lĩnh vực này khi phân công.

Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Tòa án nhân dân. Cụ thể là: Đề xuất, xây dựng cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án các cấp, trên cơ sở đó đề xuất mô hình tổ chức, bộ máy của Tòa án mỗi cấp và chuẩn bị đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện việc tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, kể cả đối với Tòa án quân sự; đổi mới việc tổ chức các phiên Tòa xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, công khai, dân chủ, nghiêm minh theo tinh thần cải cách tư pháp và quy định của pháp luật tố tụng tư pháp.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hoá về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức xã hội đối với Thẩm phán, Thư ký Tòa án và Thẩm tra viên; mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán; cải cách quy trình tuyển chọn và tăng thời hạn nhiệm kỳ bổ nhiệm đối với Thẩm phán.

Xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ và từng bước hiện đại cho hoạt động xét xử. Cụ thể là: Triển khai xây dựng mới, nâng cao, cải tạo trụ sở Tào án các cấp phù hợp với mô hình hệ thống tổ chức Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp; trang bị phương tiện kỹ thuật làm việc tiên tiến cho các Tòa án trong phạm vi kinh phí được cấp từ ngành sách trung ương.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với hoạt động của Tòa án.

Chủ động hoặc phối hợp thực hiện việc tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp; nâng cao trình độ về pháp luật quốc tế và ngoại ngữ cho cán bộ Tòa án để tham gia có hiệu quả vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân Việt Nam.

Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao vai trò của các tổ chức Đảng trong Tòa án đối với hoạt động của Tòa án.

Căn cứ chương trình trọng tâm công tác tư pháp các năm 2009-2010 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng Chương trình trọng tâm công tác tư pháp của ngành Tòa án nhân dân trong các năm 2009-2010 với nội dung là xây dựng các đề án sau đây:

1. Đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực, Tòa án phúc thẩm, Tòa án thượng thẩm, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao.

2. Đề án mở rộng nguồn, cải cách quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và tăng thời hạn bổ nhiệm Thẩm phán.

3. Đề án nâng cao năng lực Trường Cán bộ Tòa án.

4. Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng Hội thẩm nhân dân.

5. Đề án quy hoạch tổng thể phát triển ngành Tòa án nhân dân đến năm 2020.

6. Đề án trao đổi, đào tạo Thẩm phán với một số nước có nền tư pháp tiên tiến nhằm tăng cường năng lực ngoại ngữ, kiến thức tư pháp phục vụ hội nhập quốc tế.

B. Một số hoạt động chủ yếu của ngành Tòa án nhân dân trong  15 năm gần đây ( từ 1995 đến 2010).

            Thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước và đặc biệt là trong 15 năm gần đây, nền kinh tế đất nước đã có những phát triển đáng kể. Bên cạnh những mặt tích cực mà nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước, thì mặt trái của nó cũng tác động tiêu cực đối với xã hội, làm gia tăng tội phạm, trong đó có những loại tội phạm mới gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Các tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Mặt khác, mặt trái nền kinh tế thị trường cũng là nguyên nhân của việc gia tăng các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, đặc biệt là các tranh chấp về dân sự liên quan đến đất đai, nhà ở, thừa kế hoặc tranh chấp về tài sản trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình.

1. Về công tác xét xử

1.1. Từ năm 1995 đến năm 2004

Ngành Tòa án nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ trong tình hình mới nên đã có nhiều cố gắng để bám sát và phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước. Từ năm 1995 đến năm 2004, Tòan ngành Tòa án nhân dân đã giải quyết, xét xử được1.578.218 vụ án trong tổng số 1.638.006 vụ án đã thụ lý; trong đó, năm 1995 đã giải quyết, xét xử được 102.297 vụ, đến năm 2004 là 183.781 vụ. Nhìn chung, số lượng các loại vụ án đã được các Tòa án giải quyết năm sau thường cao hơn năm trước và trung bình mỗi năm, Tòan ngành Tòa án nhân dân đã giải quyết, xét xử khoảng 160.000 vụ án các loại.

a. Về xét xử các vụ án hình sự

Từ năm 1995 đến năm 2004, Tòan ngành Tòa án nhân dân đã giải quyết, xét xử được 551.792 vụ án với 894.614 bị cáo.

Các Tòa án các cấp đã có nhiều cố gắng, phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra để sớm đưa ra xét xử các vụ án lớn, trọng điểm, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị ở các địa phương cũng như cả nước như:  một số vụ án phản cách mạng ở Tây Nguyên, các vụ án gián điệp, tuyên truyền phản cách mạng; một số vụ án mang tính chất băng nhóm “theo kiểu xã hội đen” - vụ “ Khánh trắng”, “Phúc bồ” tại Hà Nội, vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn ở thành phố Hồ Chí Minh; các vụ  án mua bán trái phép chất ma tuý với số lượng lớn, địa bàn phạm tội rộng và có đông người tham gia (vụ Vũ Xuân Trường, vụ Nguyễn Đức Lượng, vụ Nguyễn Văn Tám, vụ Hoàng Văn Thịnh, vụ Phạm Bá Dìn…); các vụ án tham nhũng, tham ô, lừa đảo có tổ chức, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước hoặc của công dân có giá trị rất lớn (vụ Trần Đàm, vụ Đỗ Thị Mỹ Phượng, vụ Phạm Ngọc Lâm, vụ Tăng Minh Phụng, vụ Trần Thị Hiếu, vụ án tham nhũng ở Mường Tè – Lai Châu, vụ án rừng Tánh Linh – Bình Thuận, vụ Nguyễn Thị Mai Hương, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ  Vi Văn Nghiên, vụ Bế Ngọc Huân và các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Hà Tây, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên...).

Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, nhìn chung các Tòa án đều xét xử đạt trên 90% số vụ án đã thụ lý, nhiều Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện đã cố gắng giải quyết 100% số lượng các vụ án hình sự đã thụ lý. Riêng các Tòa án quân sự tỷ lệ giải quyết các vụ án hình sự cũng rất cao.

Việc xét xử các vụ án hình sự trong những năm qua về cơ bản đã đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế tới mức thấp nhất việc xét xử sai, đặc biệt là các trường hợp bị xét xử oan đã giảm nhiều ( năm 1999 có 60 trường hợp; năm 2000 có 53 trường hợp; năm 2001 có 20 trường hợp; năm 2002 có 23 trường hợp, năm 2003 có 7 trường hợp và năm 2004 chỉ còn 5 trường hợp). Các vụ án lớn, trọng điểm đã được đưa ra xét xử kịp thời, theo đúng quy định và kế hoạch đề ra. Việc tiến hành bồi thường cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra theo quy định của Nghị quyết số 388 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc trong Tòan ngành Tòa án nhân dân. Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an,  Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT ngày 25/3/2004 hướng dẫn thi hành Nghị quyết nêu trên. Các Tòa án đã tiến hành rà soát các trường hợp bị xét xử oan và tiến hành thoả thuận về bồi thường, xin lỗi công khai và đăng cải chính trên báo chí theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua đó đã khắc phục kịp thời những thiệt hại gây ra cho người bị xét xử oan, đồng thời góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, Thẩm phán trong công tác xét xử các vụ án hình sự, củng cố lòng tin của nhân dân đối với các Tòa án, từ đó nâng cao vị trí, uy tín của ngành Tòa án nhân dân.

Triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; trong đó có nội dung đổi mới thủ tục tranh luận tại phiên Tòa hình sự, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội thảo Tòan quốc về tranh tụng tại phiên Tòa hình sự và hướng dẫn các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp thực hiện việc đổi mới một bước thủ tục xét hỏi và tranh luận tại phiên Tòa trên cơ sở các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Nhìn chung việc tổ chức các phiên Tòa hình sự ở các Tòa án các cấp đã từng bước đảm bảo được sự tôn nghiêm, dân chủ và văn minh theo đúng quy định của pháp luật. Tòa án đã tạo điều kiện, đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của họ; Luật sư và những người tham gia tố tụng được trình bày hết ý kiến của mình; việc xét hỏi của Hội đồng xét xử và của Kiểm sát viên thể hiện khách quan hơn; việc phán quyết của Tòa án căn cứ chủ yếu vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên Tòa. Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành sơ kết việc thực hiện nội dung này trong Tòan ngành Tòa án nhân dân để rút kinh nghiệm và triển khai thực hiện tại các phiên Tòa dân sự, kinh tế, lao động và hành chính.

Ngành Tòa án nhân dân cũng rất quan tâm tới việc tổ chức các phiên Tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án, thông qua đó nâng cao ý thức pháp luật trong quần chúng nhân dân nên đã đề cao được tính giáo dục và phòng ngừa chung. Trung bình mỗi năm, Tòa án các cấp đã tổ chức khoảng 2.000 phiên Tòa xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án. Nhiều Tòa án nhân dân địa phương đã tổ chức thực hiện tốt công tác này như Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Tòa án nhân dân các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Lào Cai, Bình Dương, An Giang…. Đặc biệt, riêng ngành Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành xét xử lưu động trung bình mỗi năm khoảng 500 vụ án.

Đối với các vụ án hình sự đã được đưa ra xét xử, hình phạt mà các Tòa án đã tuyên phạt đối với các bị cáo đã thể hiện được chính sách hình sự của Nhà nước ta là nghiêm trị những kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm... Theo số liệu thống kê cho thấy các Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng hình phạt tù giam đối với 516.055 bị cáo bị đưa ra xét xử. Bên cạnh đó, các Tòa án đã thực hiện nghiêm túc chính sách khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra. Khoảng gần 30% số bị cáo bị đưa ra xét xử đã được các Tòa án cho hưởng án treo hoặc áp dụng các hình phạt không phải là giam giữ. Tính từ năm 1995 đến năm 2004, số bị cáo được Tòa án cho hưởng án treo là 38.840 người. Như vậy, hình phạt mà các Tòa án đã áp dụng đối với các bị cáo đã đảm bảo được tính răn đe, phòng ngừa, giáo dục người phạm tội, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Thông qua công tác xét xử, khi phát hiện có sự buông lỏng trong công tác quản lý, là nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm thì ngoài việc quyết định xử phạt đối với bị cáo, Tòa án đã có yêu cầu cơ quan hoặc tổ chức có liên quan áp dụng những biện pháp cần thiết để khắc phục các nguyên nhân, điều kiện đó. Trong một số trường hợp, qua việc xét xử tại phiên Tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra, Hội đồng xét xử đã ra quyết định khởi tố vụ án hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự.

b. Về xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình

Từ năm 1995 đến năm 2004, các Tòa án các cấp đã xét xử 1.007.309 vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình trong tổng số 1.038.189 vụ án đã thụ lý. Nhìn chung, việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình rất khó khăn, phức tạp, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến nhà ở, quyền sử dụng đất, chia thừa kế, đòi nợ vẫn phổ biến và rất phức tạp; nhiều vụ án rất gay gắt, nhất là ở những thành phố lớn và những địa phương có nhiều dự án đầu tư của Nhà nước. Trong khi đó, hệ thống pháp luật của Nhà nước chưa thật hoàn thiện, nhiều quy định của pháp luật qua các thời kỳ có khác nhau; nhiều trường hợp khi tham gia các giao dịch dân sự các bên đương sự chưa có thói quen tuân thủ các quy định của pháp luật về hình thức của giao dịch như: bằng văn bản, công chứng, chứng thực, đăng ký, trước bạ sang tên…  nên đã gây ra những khó khăn nhất định cho Toà án khi giải quyết các vụ án này. Tuy nhiên, các Toà án nhân dân các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên trì hoà giải, hướng dẫn và giải thích pháp luật cho các bên đương sự hiểu về quyền và nghĩa vụ của họ. Chính sự tận tụy và kiên trì của cán bộ, Thẩm phán Toà án nhân dân đã giúp cho việc hoà giải thành được khoảng 400.000 các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, nhiều Toà án nhân dân có tỷ lệ hoà giải thành tới 50-60% số vụ tranh chấp, góp phần giải quyết tốt mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữ gìn và tăng cường được sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, trong mỗi gia đình. Trong công tác xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, các Toà án nhân dân các cấp đã hết sức cố gắng áp dụng đúng đắn pháp luật, về cơ bản việc xét xử của Toà án đã thấu tình, đạt lý.

c. Về xét xử các vụ án kinh tế, lao động, hành chính

Từ năm 1996, Nhà nước ta đã giao cho các Toà án nhân dân các cấp có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế, tranh chấp lao động và hành chính. Đây là các loại việc mới mà các Toà án chưa có nhiều kinh nghiệm giải quyết. Tuy nhiên, trong các năm từ 1996 Nhà nước 2005 các Toà án nhân dân các cấp đã có nhiều cố gắng giải quyết được 19.117 vụ án trong tổng số 23.336 vụ án đã thụ lý. Trong đó đã giải quyết 7.923 vụ án kinh tế và tuyên bố phá sản, 5.112 vụ án lao động và 6.082 vụ án hành chính. Chất lượng giải quyết các vụ án này cũng ngày càng được đảm bảo, góp phần làm lành mạnh hoá và thúc đẩy sự phát triển các hoạt động kinh tế, bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, các đơn vị sử dụng lao động, tăng cường hiệu quả của nền hành chính nhà nước.

1.2. Từ năm 2005 đến năm 2010

Trong những năm gần đây, số lượng các loại vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án liên tục gia tăng mạnh, trung bình mỗi năm tăng khoảng 15%. Tuy nhiên ngành Toà án nhân dân đã khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, từ năm 2005 đến 2009 toàn Ngành Toà án nhân dân đã giải quyết, xét xử được 1.198.131 vụ trong tổng số 1.302.751 vụ.

Trong năm 2009 đã giải quyết được 274.147 vụ án trong tổng số 295.989 vụ án đã thụ lý, đạt 92,6%. So với năm 2008 thì số vụ án Toà án các cấp đã thụ lý tăng 22.827 vụ án và số lượng các vụ án đã giải quyết nhiều hơn 20.638 vụ. Cụ thể như sau:

a. Về xét xử các vụ án hình sự

Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp đã thụ lý 80.104 vụ án với 138.823 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 78.343 vụ án với 134.717 bị cáo, đạt 97,8% số vụ và 97% số bị cáo. Trong đó, giải quyết, xét xử các thủ tục sơ thẩm 65.462 vụ với 114.344 bị cáo; theo thủ tục phúc thẩm 12.687 vụ với 20.079 bị cáo và theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 194 vụ với 294 bị cáo. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ là 0,71% (do nguyên nhân chủ quan là 0,38% và do nguyên nhân khách quan là 0,33%), bị sửa là 4,21% (do nguyên nhân chủ quan là 0,54% và do nguyên nhân khách quan là 3,67%). So với năm trước, tỷ lệ các bản án quyết định bị huỷ do nguyên nhân chủ quan tăng 0, 21%, tỷ lệ bị sửa giảm 0,16%.

Việc xét xử các vụ án hình sự nhìn chung đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong số các vụ án hình sự được xét xử trong năm 2009 chưa phát hiện có trường hợp nào kết án oan người không có tội và phải bồi thường theo Nghị quyết số 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (có một số trường hợp oan sai và phải bồi thường theo Nghị quyết 388 được phát hiện trong năm 2009 là những vụ án được xét xử trong những năm trước đây, cá biệt có vụ án cách đây trên 10 năm). Nhiều Toà án đã phấn đấu giải quyết xong 100% số vụ án hình sự đã thụ lý như các Toà án cấp tỉnh: Thái Bình, Điện Biên, Nam Định, Vĩnh Phúc và Quân khu 5...; các Toà án nhân dân cấp huyện như: Các Quận Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, thành phố Hà Nội; huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định; huyện Cẩm Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế; huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng; huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; Quận 6, thành phố Hồ Chí Minh; huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; thị xã Phan Rang- Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận; Quân sự khu vực 2, Quân khu 7...

Thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 33/2009/QH12 ngày 19-6-2009 của Quốc hội, các Toà án cấp phúc thẩm đã xét xử huỷ bản án sơ thẩm và tuyên bố 16 bị cáo không phạm tội (đây là các trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự do có sự thay đổi về chính sách hình sự Nhà nước). Trên cơ sở quy định của pháp luật, các Toà án đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát để hoàn tất hồ sơ vụ án và đưa ra xét xử kịp thời, đúng pháp luật các vụ án lớn, trọng điểm, điển hình như vụ án Nguyễn Lâm Thái; vụ án Nguyễn Đức Chi; vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Quán Nam, Hải Phòng; vụ án gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa tại 178 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội và một số vụ án lợi dụng tự do dân chủ để tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Các Toà án cũng đã nghiêm túc triển khai thực hiện các đợt cao điểm về đấu tranh phòng chống các loại tội phạm; phòng chống ma tuý và phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em do Thủ tướng Chính phủ phát động. Tuy còn có nhiều khó khăn về kinh phí, nhưng tất cả các Toà án địa phương đã quan tâm làm tốt việc tổ chức các phiên toà xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án. Toàn ngành Toà án nhân dân đã xét xử lưu động trên 5.000 vụ án hình sự, trong đó một số đơn vị làm rất tốt công tác này như các Toà quân sự, Toà án nhân dân các tỉnh Quảng nam, Thanh Hoá, Nghệ An, Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Sơn La, thành phố Hồ Chí Minh... Đặc biệt, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức xét xử lưu động trên 1.000 vụ án, trong đó Toà án nhân dân quận Long Biên đã xét xử 134 vụ án lưu động, chiếm 1/3 số vụ án hình sự đã giải quyết. Thông qua việc tổ chức các phiên toà xét xử lưu động đã góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhân dân.

b. Về xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình

Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý 214.174 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 194.358 vụ việc, đạt 90,7%. Trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tục sở thẩm 177.417 vụ việc; theo thủ tục phúc thẩm 15.893 vụ việc và theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 1.048 vụ việc. Các Toà án nhân dân địa phương đã thụ lý 154 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản; đã ra 135 quyết định mở thủ tục phá sản, 5 quyết định không mở thủ tục phá sản và trả lại đơn yêu cầu đối với 4 trường hợp; 10 trường hợp còn đang được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ là 1,55% (do nguyên nhân chủ quan là 1,42% và do nguyên nhân khách quan là 0,13%), bị sửa là 2,64% (do nguyên nhân chủ quan là 1,91% và do nguyên nhân khách quan 0,73%). So với năm trước, tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ do nguyên nhân chủ quan tăng 0,14% bị sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 0,39%.

c. Về xét xử các vụ án kinh tế, lao động, hành chính

Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý 1.557 vụ án; đã giải quyết, xét xử được 1.299 vụ, đạt 83,4%. Trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 869 vụ; theo thủ tục phúc thẩm 403 vụ và theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 27 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ là 6,92% (do nguyên nhân chủ quan là 5,85% và do nguyên nhân khách quan là 1,07%), bị sửa là 4,77% (do nguyên nhân chủ quan là 4,31% và do nguyên nhân khách quan là 0,46%). So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ tăng 2,33% và tỷ lệ bị sửa giảm 1,23%.

Công tác giải quyết, xét xử các vụ án dân sự và vụ án hành chính cũng có tiến bộ. Nhìn chung, các vụ việc dân sự đã được giải quyết cơ bản đúng pháp luật. Trong quá trình giải quyết, cùng với việc hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án, các Toà án còn tích cực tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ, trưng cầu giám định, uỷ thác điều tra... trong những trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự để củng cố, bổ sung chứng cứ nhằm giải quyết vụ án đúng pháp luật. Hầu hết các Toà án đã quan tâm thực hiện tốt phương châm kiên trì hoà giải, thuyết phục để các đương sự nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, thông qua đó giải quyết nhanh các tranh chấp nên đã góp phần giải quyết tốt các mâu thuẫn và giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Tỷ lệ các vụ việc được giải quyết bằng quyết định hoà giải thành chiếm tỷ lệ 45% tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết, tăng hơn năm trước 1%. Nhiều Toà án nhân dân cấp huyện làm rất tốt công tác hoà giải như các Toà án nhân dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; Long Thành, tỉnh Đồng Nai; thành phố Tân An, tỉnh Long An; thành pố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên;...

2. Về công tác thi hành án hình sự

2.1. Từ năm 1995 đến năm 2004

Trước tháng 7 năm 1993, công tác thi hành án dân sự và hình sự đều do các Toà án nhân dân đảm nhiệm, các Toà án đã có nhiều cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hầu hết các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều được đảm bảo thi hành nghiêm túc. Từ tháng 7-1993 công tác thi hành án dân sự được chuyển cho cơ quan thi hành án của Chính phủ, các Toà án nhân dân chỉ được giao trách nhiệm thi hành án hình sự. Nhận thức rõ ý nghĩa của công tác thi hành án hình sự đối với việc đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo hiệu lực thi hành của các bản án hình sự nhằm răn đe và giáo dục những người phạm tội, Toà án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Toà án phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về vấn đề này và thường xuyên kiểm tra công tác thi hành án hình sự của các Toà án địa phương. Về cơ bản, các Toà án địa phương đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về thi hành án phạt tù. Hầu hết các bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật đã được các Toà án khẩn trương ra quyết định thi hành án. Trong 10 năm (từ 1995 đến 2004) các Toà án cấp sơ thẩm đã ra khoảng 500.000 quyết định thi hành án hình sự đối với những người mà bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Hàng năm, các Toà án nhân dân cấp tỉnh còn xem xét, ra quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho trên 20.000 phạm nhân có quá trình cải tạo tốt. Một số Toà án trong một năm phải giải quyết hàng ngàn trường hợp đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù theo đề nghị của các trại giam. Các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đã được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, ngành Toà án nhân dân còn tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét và đề nghị Chủ tịch nước đặc xá cho hơn 45.000 phạm nhân. Trong thời gian qua, các Toà án cũng đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về xoá án tích, xét giảm thời gian thử thách của án treo, thông qua đó đã bảo vệ kịp thời các quyền lợi hợp pháp của những người bị kết án.

Việc thi hành hình phạt tử hình luôn được các Toà án đặc biệt quan tâm theo dõi từ khi bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi có quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước. Các Toà án đã chủ động lập kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Công an và chính quyền địa phương để đảm bảo thi hành án kịp thời, an toàn, tiết kiệm, chính xác. Các trường hợp thi hành án tử hình đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để ra sai sót. Các Toà án còn thường xuyên phối hợp với Viện kiểm sát và Công an để rà soát, đôn đốc việc thực hiện các quyết định của Toà án về thi hành án hình sự. Hiện nay, Toà án nhân dân tối cao đang phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng kết 10 năm công tác thi hành án hình sự để đánh giá những ưu điểm, thiếu sót của công tác này và đề ra các biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường hiệu quả của công tác thi hành án hình sự.

            2.2. Từ năm 2005 đến năm 2010

Các Toà án cấp sơ thẩm đã ra 273.182 quyết định thi hành án. Hầu hết các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều được đảm bảo thi hành nghiêm túc. các Toà án cũng đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về xoá án tích, xét giảm thời gian thử thách của án treo, thông qua đó đã bảo vệ kịp thời các quyền lợi hợp pháp của những người bị kết án.

Trong năm 2009 các Toà án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án hình sự đối với 96,349 người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 97%, số còn lại còn trong hạn luật định và đang được Toà án xem xét để ra quyết định thi hành án theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các Toà án đã quyết định hoãn, tạm đình chỉ hình phạt tù cho 6.689 trường hợp; xét miễn, giảm thời gian chấp hành hình phạt tù cho 51.637 phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù đã cải tạo tốt; xét miễn, giảm án phí, tiền phạt cho 5.875 trường hợp, với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng. Về cơ bản, việc ra quyết định thi hành án hình sự; hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các Toà án cũng chủ động và thường xuyên phối hợp với Viện Kiểm sát và Công an rà soát, đối chiếu số liệu, danh sách những người đã có quyết định thi hành án phạt tù hiện còn tại ngoại để đôn đốc yêu cầu cơ quan công an bắt thi hành án theo đúng thẩm quyền. Toà án nhân dân tối cao đã cử nhiều lượt cán bộ tham gia các đoàn công tác thẩm tra 20.820 hồ sơ đề nghị xét đặc xá, giúp Hội đồng tư vấn đặc xá trung ương tham mưu cho Chủ tịch nước trong việc đặc xá nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu và dịp Quốc khánh 02/9/2009.

Các trường hợp bị kết án tử hình có đơn hoặc không có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đều được Toà án nhân dân tối cao khẩn trương xem xét, tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật và Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước với Toà án nhân dân tối cao. Việc ra quyết định không kháng nghị và trình Chủ tịch nước xem xét đối với những người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đảm bảo không có sai sót.

3. Về công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật

3.1. Từ năm 1995 đến năm 2004

Trong thời gian qua ngành Toà án đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Những dự án Luật, Pháp lệnh được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội phân công chủ trì soạn thảo đều được ngành Toà án nhân dân thực hiện đúng tiến độ, đạt chất lượng cao như: Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2002, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Phá sản... Bên cạnh đó, ngành Toà án nhân dân còn tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với rất nhiều dự án Luật, Pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng do các cơ quan khác soạn thảo như: Bộ luật hình sự 1999, Bộ luật dân sự, Luật tố tụng hình sự, Luật đất đai, Luật hôn nhân và gia đình…, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Trong công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật, ngành Toà án nhân dân luôn chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã làm tốt công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong toàn ngành. Đặc biệt là trong những năm gần đây, khi hệ thống pháp luật của Nhà nước có nhiều sửa đổi, bổ sung, Hội đồng Thẩm phán đã rất tập trung làm tốt công tác này. Trung bình mỗi năm, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành 5 nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong toàn ngành, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử các loại vụ án của các Toà án. Ngoài ra Toà án nhân dân tối cao còn ban hành hàng nghìn văn bản trao đổi nghiệp vụ để giúp cho các Toà án địa phương áp dụng đúng và thống nhất pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể. Hàng năm, Toà án nhân dân tối cao đã biên soạn và xuất bản các tập hệ thống hoá các văn bản pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính… đảm bảo thuận tiện trong khai thác, áp dụng các văn bản pháp luật để giải quyết các vụ án trong toàn  ngành Toà án nhân dân.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, ngành Toà án nhân dân còn rất quan tâm tới công tác tập huấn các văn bản pháp luật mới trong toàn ngành, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân.

3.2. Từ năm 2005 đến năm 2010

Trong năm 2009-2010 đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay, Pháp lệnh bắt giữ tàu biển.

4. Về công tác xây dựng ngành

4.1. Từ năm 1995 đến năm 2004

Song song với việc triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, ngành Toà án nhân dân rất chú trọng tới công tác kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ. Mặc dù công tác quản lý các Toà án địa phương về tổ chức qua từng thời kỳ có nhiều biến đổi, nhưng trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, các Toà án luôn được củng cố về tổ chức và ngày càng lớn mạnh. Từ những ngày đầu thành lập, cơ cấu tổ chức của ngành Toà án còn đơn giản nhưng đến nay, hệ thống ngành Toà án nhân dân được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương gồm: Toà án nhân dân tối cao, 64 Toà án nhân dân cấp tỉnh, 658 Toà án nhân dân cấp huyện, 9 Toà án quân sự quân khu và tương đương, 17 Toà án quân sự khu vực. Cùng với việc tăng cường về tổ chức, đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán của ngành Toà án nhân dân qua các thời kỳ cũng không ngừng được bổ sung và lớn mạnh. Từ chỗ đội ngũ cán bộ của ngành còn ít về số lượng và bất cập về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đến nay toàn ngành Toà án nhân dân đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê duyệt tổng biên chế là 12.339 cán bộ, trong đó có 5.069 Thẩm phán. Trình độ đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Toà án cũng không ngừng được nâng lên. Hiện nay, toàn ngành Toà án nhân dân đã có trên 200 người có trình độ trên Đại học, những cán bộ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ phần lớn đã có trình độ đại học luật. Số còn lại chủ yếu là làm công tác hành chính. Cùng với việc chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ trong toàn ngành, ngành Toà án nhân dân cũng rất chú trọng tới công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức lối sống cho cán bộ Toà án. Toàn ngành hiện có khoảng 1.000 người có trình độ cử nhân lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị, 4.000 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

Bên cạnh việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán ngành Toà án nhân dân, đội ngũ Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm quân nhân cũng không ngừng được củng cố. Các Toà án đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan để lựa chọn những vị Hội thẩm nhân dân có trình độ pháp lý và phẩm chất đạo đức, chính trị để tham gia hoạt động xét xử. Tính đến thời điểm này, số lượng Hội thẩm nhân dân trong toàn ngành là 13.610 người. Ngành Toà án nhân dân cũng rất quan tâm thực hiện tốt các chế độ đối với Hội thẩm như trang phục, chế độ chính sách, tài liệu..., đặc biệt chú trọng tới công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các Hội thẩm nhân dân, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án trong toàn ngành.

Cùng với sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc của các Toà án cũng đã được từng bước tăng cường. Từ chỗ điều kiện, phương tiện làm việc của các Toà án còn hết sức khó khăn, nhiều Toà án còn phải đi thuê, mượn trụ sở hoặc trụ sở không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì đến nay hầu hết các Toà án đã có trụ sở ổn định. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Đảng về tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc của các Toà án, Chính phủ đã phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng trụ sở ngành Toà án trong 2 năm 2003-2004 là 400 tỷ đồng để xây dựng mới 130 trụ sở (trong đó có 127 trụ sở Toà án nhân dân cấp huyện) và cải tạo, mở rộng trụ sở 217 trụ sở (trong đó có 200 trụ sở Toà án nhân dân cấp huyện). Với  số vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được cấp là 267,377 tỷ đồng trong 2 năm 2003-2004 và 180 tỷ đồng theo kế hoạch vốn đầu tư của ngành Toà án năm 2005, Toà nhân dân tối cao đã cho tiến hành đầu tư xây dựng mới và cải tạo mở rộng 309 công trình (trong đó có 284 công trình của Toà án nhân dân cấp huyện). Những đơn vị được xây mới đã đảm bảo có trụ sở khang trang, những đơn vị mà trụ sở được xây dựng đã lâu thì đang được cải tạo, mở rộng để đáp ứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ xét xử trong tình hình mới. Điều kiện, phương tiện làm việc của các Toà án như ô tô, xe máy, máy vi tính, máy phô tô... và các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác xét xử cũng không ngừng được tăng cường để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của công tác Toà án.

Như vậy qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Toà án nhân dân đã không ngừng lớn mạnh, đội ngũ cán bộ ngành Toà án không ngừng được bổ sung về số lượng và ngày càng hoàn thiện về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu qua các thời kỳ lịch sử và trong giai đoạn hiện nay.

4.2. Từ năm 2005 đến năm 2010

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngành Toà án nhân dân đã triển khai xây dựng Đề án thành lập Toà án sơ thẩm khu vực, Toà án phúc thẩm, Toà án thượng thẩm và đổi mới tổ chức, hoạt động của Toà án nhân dân tối cao, Đề án cải cách tư pháp trong ngành Toà án quân sự. Đây là những đề án lớn, đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng về cơ cấu tổ chức của các Toà án trong thời gian tới.

Công tác cán bộ của ngành Toà án nhân dân trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Toà án nhân dân tối cao đã xây dựng và tổ chức thực hiện một số quy định và đề án về công tác cán bộ, như: Đề án biên chế cán bộ, Thẩm phán ngành Toà án nhân dân; Đề án về đổi mới chế độ tiền lương và các phụ cấp đối với cán bộ ngành Toà án nhân dân; Chuyên đề về chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ ngành Toà án nhân dân; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Toà án nhân dân. Thực hiện Nghị quyết số 42 - NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, Ban Cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao đã có Nghị quyết và xây dựng kế hoạch số 37/KH-BCS ngày 7-5-2008 để hướng dẫn thực hiện trong toàn ngành.

Đến nay, Toà án nhân dân tối cao đã hoàn thành quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao và cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng của các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao. Đối với Toà án nhân dân địa phương về cơ bản đã triển khai thực hiện việc quy hoạch đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Toà án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện và thực hiện nghiêm túc chủ trương luân chuyển cán bộ.

Đội ngũ cán bộ của các Toà án tiếp tục được củng cố và kiện toàn. Việc thiếu cán bộ lãnh đạo ở một số Toà án địa phương về cơ bản đã được khác phục.

Cùng với sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc của các Toà án cũng đã được từng bước tăng cường. Trong thời gian qua Toà án nhân dân tối cao đã đầu tư xây dựng mới 295 trụ sở cho các đơn vị mới được chia tách, tăng thẩm quyền xét xử và sửa chữa, cải tạo, mở rộng trụ sở cho 421 đơn vị do trụ sở làm việc xuống cấp nghiêm trọng hoặc quy mô không đáp ứng được yêu cầu công tác. Cùng với việc quan tâm đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho các Toà án, các trang thiết bị làm việc cũng được bổ sung, Toà án nhân dân tối cao đã trang bị 34 chiếc ô tô, 170 máy photocopy, 1481 máy vi tính cho các Toà án địa phương. Chính phủ đã phê duyệt “Đề án mua sắm trang thiết bị của ngành Toà án nhân dân giai đoạn 2010-2020” và đang xem xét để phê duyệt “Đề án quy hoạch tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống trụ sở làm việc ngành Toà án nhân dân”.

Công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho Thẩm phán, cán bộ Toà án cũng rất được quan tâm. Trong thời gian qua Toà án nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức các khoá đào tạo về nghiệp vụ xét xử tại học viện tư pháp cho hàng ngàn lượt học viên là cán bộ ngành Toà án. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức ngành Toà án nhân dân cũng được hết sức quan tâm và chỉ đạo thực hiện thường xuyên với kết quả là Toà án nhân dân tối cao đã tổ chức 40 lớp/khoá tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ công chức của ngành về nghiệp vụ và về các văn bản pháp luật mới cho các Thẩm phán, Thư ký và Hội thẩm Toà án các cấp. Đối với việc xây dựng nguồn nhân lực để giải quyết các tranh chấp có yêu s tố nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Toà án nhân dân tối cao đã tổ chức các khoá bồi dưỡng cho hàng ngàn cán bộ, Thẩm phán về pháp luật so sánh, luật sở hữu trí tuệ, luật phá sản, luật chứng khoán, luật cạnh tranh,... và kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế; phối hợp với các dự án quốc tế mở nhiều buổi hội thảo, toạ đàm về các kiến thức liên quan tới giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài, trong đó có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế. Việc đào tạo về tin học, ngoại ngữ, chính trị cho cán bộ, công chức Toà án cũng được quan tâm, đẩy mạnh.

Bên cạnh việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán ngành Toà án nhân dân, đội ngũ Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm quân nhân cũng không ngừng được củng cố. Các Toà án nhân dân địa phương và Toà án quân sự đã tổ chức và duy trì hoạt động của các Đoàn Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân. Nhiều Toà án đã làm tốt công tác này như: Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hoà Bình, Hải Dương, Vĩnh Long, Kiên Giang... Hàng năm Toà án nhân dân tối cao vẫn dành một khoản kinh phí đáng kể để Toà án các cấp tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và đảm bảo đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn của Nhà nước đối với đội ngũ Hội thẩm Toà án nhân dân . Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận ở một số địa phương, sau khi thống nhất với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ban thành Thông tư số 03/2009/TT-TATC ngày 5-03-2009 hướng dẫn về việc bầu, miễn nhiệm Hội thẩm nhân dân địa phương ở những nơi này đã hiệp thương với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và tiến hành các thủ tục để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu, kiện toàn đội ngũ Hội thẩm Toà án nhân dân cấp huyện.

5. Về công tác Đảng và các hoạt động đoàn thể trong ngành Toà án nhân dân

5.1. Từ năm 1995 đến năm 2004

a. Về công tác Đảng

Yêu cầu đoàn kết, nhất trí trong các tổ chức Đảng tại các đơn vị Toà án luôn là một đòi hỏi quan trọng và là một tiêu chí đánh giá thi đua của ngành Toà án nhân dân. Các tổ chức Đảng trong các cơ quan Toà án đã làm tốt công tác lãnh đạo, giáo dục về chính trị tư tưởng cho các Đảng viên, cán bộ Toà án. Hiện nay, ở Toà án nhân dân tối cao và các Toà án nhân dân cấp tỉnh đều có Ban cán sự Đảng để lãnh đạo toàn diện các mặt công tác của toàn ngành cũng như ở từng đơn vị. Những chủ trương lớn của Đảng đều được ngành Toà án nhân dân khẩn trương quán triệt một cách nghiêm túc. Trên cở sở các chủ trương đó, Ban cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao đã có chương trình và kế hoạch hoạt động cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả trong toàn ngành Toà án nhân dân. Đảng viên của ngành Toà án nhân dân luôn tuyệt đối trung thành với các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống giản dị, có tinh thần vượt khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác xây dựng Đảng cũng được hết sức quan tâm nhất là việc kết nạp Đảng viên mới. Trong 10 năm gần đây các tổ chức Đảng trong ngành Toà án nhân dân đã kết nạp mới được khoảng 1.600 Đảng viên, có 4.224 lượt Chi bộ cơ quan Toà án được xếp loại Chi bộ trong sạch, vững mạnh và 16.257 lượt Đảng viên ngành Toà án được công nhận Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Riêng Đảng bộ cơ quan Toà án nhân dân tối cao, nhiều năm liền được đánh giá là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Nhiều đảng viên thuộc Đảng bộ cơ quan Toà án nhân dân tối cao đã được Đảng uỷ khối các cơ quan Nội chính trung ương tặng bằng khen về những thành tích trong công tác xây dựng Đảng.

b. Về công tác Công đoàn và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

Cũng như trong công tác Đảng, Toà án nhân dân tối cao không quản lý các tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên theo ngành dọc. Tuy nhiên, bên cạnh các yêu cầu về hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, kết quả hoạt động của các tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên cũng là một tiêu chí thi đua của ngành Toà án nhân dân. Trong qúa trình hình thành và phát triển, đặc biệt là trong 10 năm gần đây, các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên cũng có vai trò đáng kể trong việc chăm lo, động viên cán bộ, công chức và các đoàn viên trong toàn ngành nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do công tác quản lý các Toà án địa phương về tổ chức có những biến đổi qua các thời kỳ, các Toà án nhân dân địa phương và một số đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao được xây dựng theo địa giới hành chính, nên ngành Toà án nhân dân chưa có Công đoàn ngành, nhưng ngành Toà án nhân dân luôn có những hạt nhân tiêu biểu trong hoạt động công đoàn ở các đơn vị và các địa phương. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, các Công đoàn cơ sở ở các Toà án đã động viên cán bộ, đoàn viên hăng hái thi đua lao động và công tác, đề cao tinh thần trách nhiệm và tính tổ chức, kỷ luật trong công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ nữ, Uỷ ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Toà án nhân dân đã được thành lập nhằm vận động các cán bộ nữ ngành Toà án nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, tạo điều kiện cho chị em được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn công tác và trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, để cán bộ nữ ngành Toà án vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà. Theo báo cáo của các Toà án địa phương, trong 10 năm qua có 3.912 lượt tổ chức Công đoàn cơ sở của các Toà án được công nhận là Công đoàn cơ sở vững mạnh. Riêng Công đoàn cơ quan Toà án nhân dân tối cao trong nhiều năm liền luôn là đơn vị công đoàn cơ sở mạnh của Công đoàn viên chức Việt Nam. Với những thành tích đã đạt được, trong nhiều năm liên tục, Công đoàn cơ quan Toà án nhân dân tối cao được Công đoàn viên chức Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc; nhiều đoàn viên công đoàn trong ngành Toà án nhân dân được tặng thưởng bằng khen, giấy khen của Công đoàn địa phương, Công đoàn viên chức Việt Nam và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Năm 2003, Công đoàn cơ quan Toà án nhân dân tối cao vinh dự được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua "Đơn vị công đoàn cơ sở xuất sắc nhất". Tổ chức đoàn thanh niên trong ngành Toà án, bằng nhiều biện pháp thích hợp đã động viên các đoàn viên thanh niên tích cực học tập, rèn luyện, tiên phong trong mọi hoạt động của đơn vị, xứng đáng là đội hậu bị của Đảng. Từ năm 1995 đến năm 2004 có 15.169 lượt Đoàn thanh nhiên Toà án nhân dân các cấp được công nhận là Đoàn thanh niên xuất sắc.

5.2. Từ năm 2005 đến năm 2010

a. Về công tác Đảng

Trong ngành Toà án nhân dân phần lớn các chi bộ Đảng đều được xếp loại chi bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh trong đó có nhiều chi bộ đạt danh hiệu chi bộ trong sạch tiêu biểu. Riêng Đảng bộ Toà án nhân dân tối cao từ 17 chi bộ trực thuộc tăng lên 20 chi bộ trực thuộc; năm 2009 có tổng số 379 đảng viên; 4 lần được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh; 1 lần được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu và được Đảng uỷ khối tặng Bằng khen; năm 2009 có tổng số 379 đảng viên; 18 chi bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, trong đó có 10 chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, có 1 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ và 1 chi bộ hoàn thành nhiệm vụ.

b. Về công tác Công đoàn và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

Công đoàn cơ quan Toà án nhân dân tối cao 3 lần được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc và đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua xây dựng cơ quan và tổ chức Công đoàn vững mạnh trong các năm 2008-2009, Bằng khen tổng kết 10 năm cuộc vận động người cán bộ công chức, viên chức “Trung thành- Sáng tạo- Tận tuỵ- Gương mẫu” (1999-2009); 25 tập thể được Ban chấp hành công đoàn viên chức Việt Nam tặng Bằng khen; 68 tập thể được Toà án nhân dân tối cao tặng Giấy khen.

Đoàn thanh niên cơ quan Toà án nhân dân tối cao cũng có nhiều hoạt động tích cực như tặng sách báo, hoạt động tình nguyện ở một số địa phương. Các thành tích nổi bật: 03 đoàn viên được Đoàn khối tặng Bằng khen; 02 đoàn viên được Đoàn khối tặng danh hiệu “Thanh niên tiên tiến theo lời bác”; 06 đoàn viên được Đảng uỷ Cơ quan tặng Giấy khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác đoàn; 54 đoàn viên được Đoàn cơ quan tặng Giấy khen “Đoàn viên xuất sắc”; 02 chi đoàn được công nhận là “Chi đoàn vững mạnh xuất sắc dẫn đầu”; 07 chi đoàn được công nhận là “Chi đoàn vững mạnh xuất sắc”.

6. Các hoạt động xã hội khác

6.1. Từ năm 1995 đến năm 2004

Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ, các công tác xã hội khác tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh tại các Toà án. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được duy trì thường xuyên. Trong 10 năm qua, các Toà án địa phương đã tiến hành xây dựng được 42 căn nhà tình nghĩa và đóng góp hơn 200 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Toà án nhân dân tối cao đã đóng góp để xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa ở tỉnh Điện Biên. Riêng trong công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Toà án đã phụng dưỡng 443 Mẹ với tổng số tiền trên 120 triệu đồng. 100% cán bộ, công chức ngành Toà án nhân dân đã đóng góp từ một đến hai ngày lương vào quỹ ủng hộ người nghèo, trẻ em khó khăn, ủng hộ đồng bào bị thiên tai bào lụt với tổng số tiền là 2.531 triệu đồng. Bên cạnh đó, Toà án nhân dân tối cao và các Toà án địa phương còn tham gia tích cực vào công tác xã hội ở địa phương như hưởng ứng và tham gia các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương, cử cán bộ về cơ sở để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp các xã nghèo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội...

6.2. Từ năm 2005 đến năm 2010

Trong các năm qua, các Toà án địa phương đã tiếp tục xây dựng và đóng góp xây dựng thêm nhiều căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Trong công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Toà án đã phụng dưỡng hàng trăm Mẹ. Các Toà án ở vùng sâu, vùng xa thực hiện tốt nhiệm vụ giúp một số xã phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, củng cố an ninh quốc phòng ở địa phương. Cán bộ Công chức trong ngành tích cực đóng góp một ngày lương vào Quỹ tình nghĩa của ngành Toà án nhân dân và tích cực ủng hộ đồng bào thiên tai, bão lụt với số tiền tới hàng trăm triệu đồng.

7. Về công tác thi đua khen thưởng

7.1. Từ năm 1995 đến năm 2004

Thực hiện Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2002, từ tháng 10 năm 2002, công tác quản lý Toà án địa phương về tổ chức được chuyển giao từ Bộ Tư pháp sang Toà án nhân dân tối cao. Mặc dù có sự thay đổi lớn trong cơ chế quản lý ngành, nhưng Toà án nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để khẩn trương tiếp nhận công tác thi đua khen thưởng đối với các Toà án nhân dân địa phương từ Bộ Tư pháp sang Toà án nhân dân tối cao. Công tác thi đua khen thưởng của ngành Toà án nhân dân đã ổn định, đi vào nề nếp và có sự chuyển biến mạnh mẽ.

a. Đối với Toà án nhân dân tối cao

Xác định được tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng đối với công tác chuyên môn nghiệp vụ, lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thường xuyên duy trì công tác thi đua khen thưởng của cơ quan, đơn vị mình; triển khai và đôn đốc các tập thể, cá nhân thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng, Nhà nước và các hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng của Viện Thi đua khen thưởng Nhà nước.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 35-CT/TW về đổi mới công tác thi đua khen thưởng và Chính phủ ban hành Nghị định 56/1998/NĐ-CP hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới, Ban cán sự và lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao đã tổ chức triển khai đến các đơn vị và cá nhân trong cơ quan; kịp thời hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và bình xét khen thưởng hàng năm. Các phong trào thi đua, các đợt thi đua đều có sơ kết, tổng kết và khen thưởng kịp thời.

Trước tháng 10/2002 việc chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng của các đơn vị và cá nhân thuộc Toà án nhân dân địa phương do Bộ Tư pháp thực hiện có sự phối hợp của Toà án nhân tối cao. Toà án nhân dân tối cao đã tham gia tích  vào công tác này, thể hiện qua công việc cụ thể như : chủ động tham gia ý kiến trong quá trình soạn thảo các Thông tư hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng; tham gia các đoàn kiểm tra công tác thi đua của Toà án nhân dân địa phương; tham gia chỉ đạo các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác thi đua khen thưởng của các cụm thi đua Toà án nhân dân địa phương; phối hợp chỉ đạo quá trình bình xét thành tích thi đua và hiệp y đề nghị khen thưởng đối với các trường hợp thuộc Toà án nhân dân địa phương…Chính vì vây, phong trào thi đua của ngành Toà án nhân dân được xây dựng, duy trì và phát triển có hiệu quả.

Sau khi tiếp nhận công tác quản lý tổ chức đối với các Toà án địa phương, trong đó có công tác thi đua khen thưởng, mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh nghiệm tổ chức, triển khai các phong trào thi đua và có rất nhiều công việc cấp bách cần phải làm ngay, nhưng các đồng chí lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao đã dành sự quan tâm đáng kể cho công tác thi đua khen thưởng của ngành. Lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao đã chỉ đạo soạn thảo các văn bản hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng ngành Toà án nhân dân và ban hành Bảng chấm điểm thi đua đối với các đơn vị Toà án nhân dân địa phương. Để thống nhất về tổ chức bộ máy và hoạt động thi đua trong toàn ngành, Toà án nhân dân tối cao đã khẩn trương thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Toà án nhân dân và ban hành một số văn bản chỉ đạo việc thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng của các Toà án nhân dân cấp tỉnh. Hàng năm, Toà án nhân dân tối cao đều hướng dẫn các đơn vị trong toàn ngành tổng kết công tác thi đua khen thưởng và triển khai các nội dung thi đua khen thưởng cho năm sau; quyết định phân chia cụm thi đua đối với các đơn vị thuộc ngành Toà án nhân dân; cử Trưởng , Phó trưởng cụm thi đua và tổ chức Hội nghị các cụm thi đua. Toà án nhân dân tối cao cũng đã ban hành công văn để chỉ đạo kế hoạch tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và hướng dẫn việc khen thưởng thành tích trong việc triển khai thực hiện... Kết thúc đợt tổng kết này, Toà án nhân dân tối cao đã có văn bản trình cơ quan có thẩm quyền khen thưởng đối với 34 tập thể và 68 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị.

b. Đối với các Toà án nhân dân địa phương

Trước đây, khi Bộ Tư pháp còn thực hiện chức năng quản lý Toà án nhân dân địa phương về tổ chức, công tác thi đua khen thưởng của các Toà án nhân dân địa phương đã có nề nếp nhất định. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao, các đơn vị đã kịp thời triển khai đến các tập thể, cá nhân về các văn bản hướng dẫn của Nhà nước, của ngành và của địa phương đối với công tác thi đua khen thưởng. Lãnh đạo cấp uỷ và chính quyền của các đơn vị đã ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, tiêu chuẩn đối tượng khen thưởng và quy trình bình xét khen thưởng. Vào đầu năm công tác, các đơn vị đã chủ động đăng ký thi đua theo hướng dẫn của ngành, tham gia đầy đủ các hoạt động của cụm thi đua.

Từ khi Toà án nhân dân tối cao thống nhất quản lý Toà án nhân dân địa phương, các đơn vị đã kịp thời tổ chức triển khai quán triệt tới cán bộ, công chức các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của ngành về công tác Toà án trong giai đoạn mới. Tuy mới quản lý và chỉ đạo công tác thi đua của ngành Toà án nhân dân nhưng do có quá trình phối hợp với Bộ Tư pháp để chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng của các Toà án nhân dân địa phương nên Toà án nhân dân tối cao đã duy trì, củng cố và phát triển các phong trào thi đua trong ngành Toà án nhân dân. Trong các Hội nghị tổng kết công tác ngành, việc tổng kết các hoạt động thi đua trong năm và phát động các phong trào thi đua của năm sau luôn là một nội dung rất quan trọng.

Ngay sau các Hội nghị tổng kết công tác của ngành, các đơn vị đã chủ động tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức để thảo luận, xây dựng chương trình công tác của năm, xác định rõ mục tiêu phấn đấu của đơn vị, đăng ký các danh hiệu thi đua, thống nhất biện pháp tổ chức các phong trào thi đua của đơn vị mình, nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu công tác của ngành đã đề ra. Trong thời gian qua, phong trào thi đua của các đơn vị trong ngành đã được tổ chức với nhiều nội dung phong phú, đa dạng và phù hợp với đặc thù hoạt động của ngành Toà án nhân dân. Lãnh đạo các đơn vị đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ Đảng, tổ chức đoàn thể để triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của ngành và địa phương, hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn. Các đơn vị trong toàn ngành đều tổ chức nhiều đợt thi đua chào mừng các ngày lễ lớn hoặc tham gia tích cực vào các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao của địa phương. Không chỉ tổ chức tốt các phong trào thi đua, hầu hết đơn vị đã tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao với các đơn vị bạn, tạo ra không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Thực hiện hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao, đến nay các Toà án nhân dân cấp tỉnh đều đã thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng. Các Hội đồng thi đua khen thưởng đã chủ động hoạt động, xây dựng kế hoạch và tổ chức các phong trào thi đua, tiến hành bình xét thi đua khách quan đúng quy định, tạo nên sự sôi nổi trong công tác chuyên môn và hoạt động phong trào của các đơn vị. Phong trào thi đua của các đơn vị đã đạt nhiều kết quả tốt, thực sự là động lực thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và các nhiệm vụ công tác khác.

c. Đối với các Toà án quân sự

Do tính chất đặc thù của các Toà án quân sự, nên việc chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng của các Toà án này trong thời gian qua không có nhiều thay đổi. Hiện nay các Toà án quân sự được tổ chức thành một cụm thi đua trong công tác thi đua của ngành Toà án nhân dân. Ngành Toà án quân sự đã thành lập Hội đồng thi đua, các Toà án quân sự được chia thành 2 khu vực là cụm thi đua phía Bắc và phía Nam. Toà án quân sự trung ương, các Toà án quân sự cấp quân khu và khu vực đã đề ra các chỉ tiêu thi đua phù hợp với đặc thù riêng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xét xử, cũng như các nhiệm vụ khác của Bộ Quốc phòng giao. Do đó, các phong trào thi đua luôn được duy trì thường xuyên, sôi nổi tại các Toà án quân sự các cấp. Với các thành tích đã đạt được trong công tác chuyên môn cũng như trong việc duy trì, phát triển các phong trào thi đua của các Toà án quân sự, hiện nay Toà án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng đang tiến hành các thủ tục đề nghị Nhà nước xét tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Toà án quân sự trung ương.

Sau 5 năm xây dựng, duy trì và đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị 35 CT/TW của Bộ chính trị, công tác thi đua khen thưởng của ngành Toà án nhân dân đã có những chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt. Từ chỗ hoạt động thi đua của ngành Toà án nhân dân còn hạn chế bởi cơ chế quản lý trước đây nên các phong trào thi đua chủ yếu do các đơn vị, các tổ chức đoàn thể thực hiện, đến nay công tác thi đua khen thưởng đã trở thành một trong những công tác quan trọng của ngành Toà án nhân dân. Bộ máy thực hiện công tác thi đua khen thưởng từ Toà án nhân dân tối cao đến các đơn vị trong ngành Toà án đã từng bước được kiện toàn, Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Toà án nhân dân và Hội đồng thi đua khen thưởng của Toà án quân sự, Toà án nhân dân cấp tỉnh đã được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Phong trào thi đua của ngành Toà án nhân dân được tiếp tục duy trì, phát triển mạnh mẽ trong tất cả các đơn vị trong ngành Toà án nhân dân.

Thực hiện các hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, trong năm 2004, Toà án nhân dân tối cao đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Chỉ thị 39/CT-TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, Chỉ thị 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động đợt thi đua đặc biệt từ nay đến hết năm 2005, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong 2 năm 2004 - 2005, chào mừng Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII; Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch công tác thi đua khen thưởng của ngành Toà án nhân dân trong giai đoạn 2004 - 2005, Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua ngành Toà án nhân dân lần thứ I và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp trong năm 2005. Hiện nay, các đơn vị trong toàn ngành Toà án nhân dân, Toà án quân sự các cấp đang tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác và thiết thực chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước cũng như của ngành Toà án nhân dân.

d. Các hình thức khen thưởng đã đạt được trong những năm 1994-2005

Ghi nhận những đóng góp của ngành Toà án nhân dân qua các thời kỳ lịch sử, năm 1985, nhân dịp 40 năm ngày thành lập nước và 40 năm ngày thành lập ngành Toà án nhân dân, ngành Toà án đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Đó là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với ngành Toà án nhân dân vì đã "lập nhiều thành tích xuất sắc trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa".

Từ năm 1995 đến nay nhiều đơn vị và cá nhân của ngành Toà án nhân dân đã được tặng thưởng các danh hiệu thi đua cao quý vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác. Cụ thể là :

- 3 tập thể và 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất;

- 13 tập thể và 4 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì;

- 38 tập thể và 25 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba;

- 245 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;

- 79 tập thể được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ;

- 2 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc;

- 252 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành;

- 2.824 tập thể được tặng thưởng Bằng khen của Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao;

- 1.282 tập thể được tặng Bằng khen của Uỷ ban nhân dân các địa phương;

- 5.998 cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao;

- 2.367 cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Uỷ ban nhân dân các địa phương;

- 6.376 cá nhân được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở;

- Đối với các đơn vị Toà án quân sự : Toà án quân sự trung ương đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì và Huân chương Độc lập hạng Ba vào các năm 1984 và 1995; 2 đơn vị được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất, 10 đơn vị được tặng thưởng cờ thi đua xuất sắc, 76 đơn vị được tặng thưởng bằng khen; có 30 cá nhân được công nhận Chiến sỹ thi đua, 153 cá nhân được tặng thưởng bằng khen;

- 4.224 lượt Chi bộ cơ quan Toà án được xếp loại Chi bộ trong sạch, vững mạnh và 16.257 lượt Đảng viên ngành Toà án được công nhận Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

- 3.912 lượt tổ chức Công đoàn cơ sở của các Toà án được công nhận là Công đoàn cơ sở vững mạnh;

- 15.169 lượt Đoàn thanh nhiên Toà án nhân dân các cấp được công nhận là Đoàn thanh niên xuất sắc.

7.2. Từ năm 2005 đến năm 2010

Năm 2005, Ngành Toà án nhân dân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.

- 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh

- 2 cá nhân được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhất; 1 tập thể và 3 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì; 4 tập thể, 6 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba.

Đó là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với Ngành Toà án nhân dân vì đã “lập nhiều thành tích xuất sắc trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện các nội dung Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, Chỉ thị số 17/CT-TTg về công tác thi đua khen thưởng. Hội đồng thi đua khen thường ngành Toà án nhân dân đã ban hành Công văn số 10/TANDTC-TĐKT, Công văn số 48 TANDTC-TĐKT, Công văn số 62 TANDTC-TĐKT, để hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng trong ngành Toà án nhân dân và Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều chỉ thị về công tác thi đua khen thưởng. Do đó hoạt động thi đua của ngành Toà án nhân dân ngày càng được đổi mới đảm bảo chất lượng tốt.

Trong thời gian qua nhiều đơn vị và cá nhân ngành Toà án nhân dân đã được tặng thưởng các danh hiệu thi đua cao quý vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác. Cụ thể là:

- 7 tập thể và 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất; 19 tập thể và 8 cá nhân được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì; 123 tập thể và 126 cá nhân Huân chương lao động hạng ba.

- 185 tập thể và 188 cá nhân được tặng thưởng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ.

- 41 tập thể được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ

- 141 tập thể được tặng thưởng danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc

- 559 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu chiến sỹ thi đua Ngành Toà án nhân dân.

- 2408 đơn vị được tặng thưởng tập thể lao động xuất sắc

- 6249 đơn vị và cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Chánh án.

Ngoài ra, có hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng “Giấy khen”.

Những tập thể và cá nhân được Đảng và Nhà nước khen thưởng nêu trên là những tập thể, cá nhân xuất sắc, đã có đóng góp rất lớn vào truyền thống tốt đẹp của ngành Toà án nhân dân trong 65 năm qua. Đánh giá về công tác của ngành Toà án nhân dân, các cơ quan có thẩm quyền, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều có chung nhận định là ngành Toà án đã có rất nhiều cố gắng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trung thành với Tổ quốc, quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối chính sách pháp luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước; ngành Toà án nhân dân xứng đáng là công cụ sắc bén của Nhà nước nhằm nghiêm trị bọn phản cách mạng, trừng trị nghiêm minh các tội phạm khác, kết hợp tốt trừng trị với giáo dục, giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân. Trước yêu cầu cấp thiết của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến việc đổi mới, cải cách hệ thống các cơ quan tư pháp. Ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và gần đây, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án cải cách tư pháp, trong đó đã xác định vị trí của Toà án là trung tâm trong hệ thống tư pháp, hoạt động của các Toà án là hoạt động trọng tâm của hoạt động tư pháp. Như vậy, vị trí, vai trò của Toà án rất quan trọng trong hệ thống các cơ quan tư pháp. Điều này cũng thể hiện Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao cho ngành Toà án nhân dân trọng trách lớn trong công cuộc cải cách tư pháp, đồng thời cũng đặt ra cho ngành Toà án nhân dân phải đổi mới toàn diện, nỗ lực cao hơn nữa để xứng đáng với vị trí, vai trò của ngành trong giai đoạn hiện nay. Sự đánh giá đúng mức của Đảng, Nhà nước và của nhân dân đối với ngành Toà án trong 65 năm xây dựng và phát triển vừa là nguồn động viên khích lệ to lớn đối với toàn thể cán bộ, công chức Toà án, vừa là niềm tự hào của ngành Toà án nhân dân.

8. Hoạt động đối ngoại và hợp tác Quốc tế

8.1. Từ năm 1995 đến năm 2004

Hoạt động đối ngoại và hợp tác Quốc tế là một công tác quan trọng của ngành Toà án nhân dân. Ngành Toà án đã có những quan hệ, hợp tác với ngành Toà án của các nước như Liên Xô trước đây, Trung Quốc, Cu Ba, Lào, Philippin, Hàn Quốc v.v. Hoạt động đối ngoại của ngành Toà án nhân dân đã góp phần phục vụ cho đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ cách mạng, góp phần tăng cường hiểu biết giữa ngành Toà án nước ta với Toà án của các nước trên thế giới.

Từ những năm 1990 trở lại đây, hoạt động đối ngoại và hợp tác Quốc tế đã được tăng cường và mở rộng hơn trước. Ngành Toà án đã phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức thực hiện Dự án "Tăng cường năng lực cho ngành Toà án Việt Nam", đồng thời phối hợp với tổ chức DANIDA của Đan Mạch, JICA của Nhật Bản, EC, CIDA của Canada và một số tổ chức quốc tế khác thực hiện các dự án nhằm tăng cường năng lực cho ngành Toà án Việt Nam. Việc thực hiện các dự án nói trên đã góp phần trong việc xây dựng dự án Luật, Pháp lệnh do Toà án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo, bước đầu xây dựng hệ thống máy vi tính trong ngành Toà án, cũng như đã hỗ trợ cho ngành Toà án đào tạo, bồi dưỡng một số cán bộ Toà án các cấp học tập, khảo sát ở nước ngoài.

8.2. Từ năm 2005 đến 2010

Trong xu thế hội nhập chung của đất nước, trên cơ sở Đề án về công tác đối ngoại của ngành, công tác hợp tác quốc tế của ngành Toà án nhân dân trong thời gian qua tiếp tục được tăng cường; mối quan hệ hợp tác với Toà án các nước trong khu vực và trên thế giới được thúc đẩy hơn.  Toà án nhân dân tối cao đã ký thoả thuận hợp tác với Toà án kinh tế tối cao Bê-la-rút, Toà án Liên bang Nga, Toà án Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Toà án Vương quốc Căm-pu-chia và Toà án Liên bang úc. Hàng năm, ngành Toà án đều tổ chức các đoàn công tác, học tập kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới về tổ chức, hoạt động của hệ thống Toà án; lựa chọn một số cán bộ có trình độ về chuyên môn và ngoại ngữ để đưa đi đào tạo, học tập nâng cao trình độ theo các chương trình, dự án của Chính phủ và Ban tổ chức Trung ương; Toà án nhân dân tối cao cũng đã triển khai nhiều hoạt động như hỗ trợ về cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ để giúp đỡ ngành Toà án Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào trong khuôn khổ các thoả thuận về hợp tác quốc tế giữa ngành Toà án hai nước. Đặc biệt, được sự đồng ý của Ban Bí thư trung ương Đảng, Toà án nhân dân tối cao Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Chánh án các nước Châu á- Thái Bình Dương vào cuối năm 2009. Hội nghị là cơ hội để Toà án nhân dân tối cao nước ta củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Toà án nhiều nước cũng như nâng cao vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, với việc tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí tài trợ của các tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động của ngành Toà án nhân dân.

9. Về công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật

a. Tạp chí Toà án nhân dân

Tạp chí Toà án nhân dân (trước đây là Tập san Tư pháp xuất bản số đầu tiên vào ngày 15 tháng 01 năm 1954) là cơ quan thông tin pháp lý và hoạt động xét xử của ngành Toà án nhân dân. Trong quá trình hoạt động Tạp chí luôn thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của mình. Hiện nay Tạp chí có số lượng phát hành lớn nhất trong các Tạp chí chuyên ngành về pháp luật, được bạn đọc là các cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật trong cả nước đón đọc. Tạp chí đã phấn đấu không ngừng cải tiến về hình thức và nâng cao về chất lượng, góp phần làm phong phú thêm lý luận về khoa học pháp lý, góp phần nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn cho cán bộ làm công tác pháp luật.

b. Báo Công lý

Báo Công lý (trước đây là bán nguyệt san Người Bảo vệ công lý - số chuyên đề của Tạp chí Toà án nhân dân xuất bản số đầu tiên vào năm 1994). Trong quá trình hoạt động của mình Báo đã góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, tuyên truyền về công tác xét xử và hoạt động của Toà án. Trong những năm gần đây Báo ngày càng được đông đảo bạn đọc trong cả nước đón đọc.

Công ty TNHH Đo đạc & Kim Khí Nghệ An
Thi công mái xếp mái che di động
Showroom vật liệu xây dựng Thái Huỳnh
Công ty CP Xây dựng Mỹ thuật & Thương mại Thắng Lợi Lộc
Công ty Bất động sản Tân Long Nghệ An
Công ty CP Hosung
Họ Vương Việt Nam
Cửa hàng Thực phẩm sạch Nghệ An
Doanh nghiệp cùng Địa phương
Công ty TNHH Đo đạc & Kim Khí Nghệ An
Thi công mái xếp mái che di động
Showroom vật liệu xây dựng Thái Huỳnh
Công ty CP Xây dựng Mỹ thuật & Thương mại Thắng Lợi Lộc
Công ty Bất động sản Tân Long Nghệ An
Công ty CP Hosung
Họ Vương Việt Nam
Cửa hàng Thực phẩm sạch Nghệ An
TÌM KIẾM DOANH NGHIỆP
 
 
 
 
Nghệ An
Hà Tĩnh
Thanh Hóa
Quảng Bình
Hà Nội
Hồ Chí Minh
Đà Nẵng
Vĩnh Phúc
An Giang
BR. Vũng Tàu
Bắc Cạn
Bắc Giang
Bạc Liêu
Bắc Ninh
Bến Tre
Bình Định
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Cà Mau
Cao Bằng
Đăk Lăk
Điện Biên
Đồng Nai
Đồng Tháp
Gia Lai
Hà Giang
Hà Nam
Yên Bái
Ninh Thuận
Hải Dương
Hải Phòng
Hậu Giang
Hòa Bình
Hưng Yên
Khánh Hòa
Kiên Giang
Kon Tum
Lai Châu
Lâm Đồng
Lạng Sơn
Lào Cai
Long An
Nam Định
Ninh Bình
Phú Thọ
Phú Yên
Quảng Nam
Quảng Ngãi
Quảng Ninh
Quảng Trị
Sóc Trăng
Sơn La
Tây Ninh
Thái Bình
Thái Nguyên
Thừa Thiên Huế
Tiền Giang
Cần Thơ
Đăk Nông
Trà Vinh
Tuyên Quang
Vĩnh Long
Toàn quốc