Sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 23/1 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh ở Quảng Ngãi được "tiếp vốn" với mức hỗ trợ lãi suất 4% để duy trì sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Luyện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết: Thực hiện chủ trương lớn này, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Tổ công tác triển khai Quyết định 131 và Thông tư 02/2009/TT-NHNN ngày 3/2/2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đồng thời quán triệt đến các ngân hàng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định.
Sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện Quyết định 131, các ngân hàng thương mại đã cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay theo cơ chế hỗ trợ lãi suất với hơn 760 tỷ đồng. Ngoài ra, số hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp đang được các ngân hàng thẩm định với các khoản vay lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cùng sự phát triển của kinh tế tỉnh nhà, trong vòng 2-3 năm trở lại đây, ngành ngân hàng Quảng Ngãi đã mở rộng mạng lưới, phát triển kinh doanh tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 11 tổ chức tín dụng cấp tỉnh, với 52 đơn vị chi nhánh cấp huyện và phòng giao dịch trực thuộc, cùng 13 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Đến hết tháng 2 năm 2009 các tổ chức tín dụng đã huy động trên 5.900 tỷ đồng, tăng 334 tỷ đồng so với cuối năm 2008. Tổng dư nợ cho vay là 8.808 tỷ đồng, tăng 520 tỷ đồng so với cuối năm 2008 (tăng 6,27%). Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn gần 3.610 tỷ đồng. Riêng khoản cho vay hỗ trợ lãi suất dù chỉ thực hiện hơn 1 tháng nhưng cũng chiếm khoảng 20% dư nợ ngắn hạn.
Thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất khá sớm, Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Quảng Ngãi (Vietcombank) đã hỗ trợ cho 43 doanh nghiệp và 9 khách hàng là hộ gia đình, cá nhân vay 198 khoản với tổng vốn hơn 214 tỷ đồng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất hơn 38 tỷ đồng. Bà Phạm Thị Thúy Kiều - Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi cho hay: Chi nhánh đã thành lập tổ hỗ trợ lãi suất với 6 thành viên đảm nhiệm các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất và tổ này hoạt động độc lập với bộ phận giải ngân, kiên quyết từ chối hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất và không đúng mục đích sử dụng vốn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 131 đã phát sinh không ít vướng mắc cần sớm tháo gỡ.
Theo quy định đối với các mặt hàng tiêu dùng có nguồn gốc từ nhập khẩu để kinh doanh, làm nguyên vật liệu sản xuất nếu ngân hàng thương mại xác định được nguồn gốc thì cho vay nhưng theo ông Nguyễn Văn Đông-Giám đốc Ngân hàng đầu tư và phát triển Quảng Ngãi việc xác định nguồn gốc từ nhập khẩu là rất khó. Còn theo đại diện ngân hàng Vietcombank Dung Quất thì "việc cho vay đối với hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ và đối tượng buôn hàng chuyến rất khó thực hiện bởi đối tượng này chỉ có bảng kê chứ không có hóa đơn".
Một thực tế nữa là các ngân hàng cổ phần thương mại, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất khá thấp. Ngân hàng Sài Gòn thương tín Quảng Ngãi (Sacombank) cho vay 16 tỷ đồng, Ngân hàng Quân đội chi nhánh Quảng Ngãi cho 40 khách hàng vay với tổng vốn hơn 20 tỷ đồng, còn Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Exirmbank) cho 9 khách hàng vay 5,1 tỷ đồng, Ngân hàng quốc tế (VIBank) cho vay 2,6 tỷ đồng. Các ngân hàng này đều cho rằng do mới thành lập, hoạt động tại thị trường Quảng Ngãi nên chưa có nhiều khách hàng truyền thống, dẫn đến doanh số cho vay còn ở mức thấp.
Việc cho vay hỗ trợ lãi suất là một trong nhóm 8 giải pháp mà Chính phủ triển khai thực hiện nhằm chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế. Chính vì thế, trong giai đoạn này các ngân hàng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, xem đó là trách nhiệm với cộng đồng.