Điều kiện tự nhiên – xã hội
Hương Khê là một huyện miền núi, nằm phía Tây Nam tỉnh Hà Tĩnh; Phía Bắc giáp các huyện Can Lộc, Vũ Quang; phía Nam giáp huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình; Phía Đông giáp các huyện Kỳ anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà; Phía Tây giáp nước bạn Lào (với gần 60km đường biên giới). Diện tích tự nhiên 127.809,09ha, trong đó đất lâm nghiệp 93.077,86ha (chiếm 72,8% tổng diện tích), đất nông nghiệp 13.933,82ha (chiếm 10,9% diện tích tự nhiên).
Khí hậu có 2 mùa rõ rệt, mùa nắng từ tháng 3 đến tháng 8, mùa mưa từ 9 đến tháng 2 năm sau; lượng mưa bình quân từ 2000-2400mm/năm.
Toàn huyện có 21 xã và 1 Thị trấn huyện lỵ; dân số gần 11 vạn người, trong đó có 51.400 lao động (lao động nông nghiệp 36.800 người); đồng bào theo đạo thiên chúa giáo chiếm 27%; có 4 bản dân tộc, với 200hộ, 790nhân khẩu. Ngoài các đặc điểm nêu trên Hương Khê còn có một số tiềm năng lợi thế: Về quỹ đất để phát triển sản xuất Nông - Lâm nghiệp dồi dào; cây ăn quả phong phú, có giá trị kinh tế cao như: Bưởi Phúc Trạch; cam Khe mây, ... có giá trị kinh tế xuất khẩu cao.
Di tích Lịch sử - Văn hóa
*. Các công trình văn hóa :
- Quần thể công trình di tích lịch sử Sơn phòng – Hàm nghi bao gồm : Đền Công đồng, Miếu Trầm Lâm, thành Sơn Phòng nơi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương.
*. Di tích lịch sử văn hóa:
- 05 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: di tích Bộ tư lệnh tiền phương 559+500 tại xã Hương Đô, đền thờ Ngô Đăng Minh tại xã Hà Linh, di tích lịch sử Rôộc Cồn tại xã Phú Phong, quần thể di tích Sơn Phòng – Hàm Nghi tại xã Phú Gia.
- 07 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: nhà thờ Võ Đình Cận xã Hương Giang, nhà thờ Phạm Khắc Chân xã Hòa Hải, nhà thờ họ Nguyễn Quốc xã Hà Linh, nhà thờ Trần Phúc Hoàn xã Hương Vĩnh, chùa Phúc Linh Tự xã Gia Phổ, chùa Hạ Phúc xã Lộc Yên, đền Ngàn Trụ xã Phú Gia.
- Hơn 70 di tích ở địa phương.
*. Các lễ hội:
- Lễ hội ăn cơm mới của dân tộc Chứt bản Rào tre xã Hương Liên, lễ hội Sơn phòng – Hàm nghi vào ngày 7/1(âm lịch) hàng năm.
Tài nguyên thiên nhiên
Các loại khoáng sản hiện có trên địa bàn: Cát, sỏi nằm rải rác cở các xã Hương Thủy, Hà Linh, Hòa Hải, các mỏ đá ở 2 xã Hương Trạch, Phúc Trạch, mỏ than ở xã Hà Linh, Hương Giang.
Với địa hình đồi núi, tính đến năm 2009, Hương Khê có 81.300ha rừng; 3.250ha rừng tập trung; hàng năm trồng mới trên hàng chục vạn cây phân tán các loại; nâng tỷ lệ che phủ lên 63,7%.
Kết cấu hạ tầng
Hệ thống giao thông phong phú và đa dạng. Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc huyện dài 45km với 5 nhà ga, đường Hồ Chí Minh đi qua 14 xã, Thị trấn dài 41km, Quốc lộ 15A: 50km và gần 100km đường tỉnh lộ và 50,2km đường biên giới Việt - Lào. Hệ thống thuỷ lợi có 147 công trình lớn nhỏ, Hệ thống thông điện: 22/22 đơn vị xã, thị có điện dùng, tỷ lệ hộ dùng điện 98%, 22 xã có đường ô tô vào trung tâm xã, cụm CN-TTCN Bắc Thị trấn đã được quy hoạch nhưng chưa có DN vào đầu tư.
Toàn huyện có: 17chợ, trong đó: 10 chợ được xây dựng bán kiến cố, còn lại 6 chợ tạm, đến nay toàn huyện có 66 doanh nghiệp, trong đó 61 Doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Doanh thu từ sản xuất CN-TTCN, Thương mại - Dịch vụ bình quân các năm (từ năm 2005-2008) trên: 140tỷ đồng.