I. Đặc điểm tự nhiên
Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, cả nước bước sang một thời kỳ mới: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội và xây dựng đất nước sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta chủ trương kiện toàn một bước về mặt tổ chức bộ máy hành chính ở cơ sở. Tỉnh Sông Bé được thành lập bao gồm tỉnh Thủ Dầu Một và Bình Phước (cũ). Đồng Phú là một trong 7 huyện, thị của tỉnh. Tên gọi Đồng Phú được bắt nguồn từ “Đồng Xoài” và “Phú Giáo”, là hai huyện sáp nhập lại vào tháng 10 năm 1976.
Huyện Đồng Phú nằm ở phía đông bắc tỉnh Sông Bé, phía đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía tây giáp huyện Bình Long, phía nam giáp huyện Tân Uyên, phía bắc giáp huyện Phước Long và Bù Đăng, khi mới thành lập gồm 17 xã, thị trấn với tổng diện tích tự nhiên là 164.650 ha, trong đó có khoảng 100.000 ha đất rừng, còn lại là đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp và các loại đất khác.
Nằm ở độ cao trung bình so với mặt nước biển khoảng 100 đến 120 mét. Đất đai chủ yếu là đất đỏ bazan, feralit nâu đỏ và một ít đất xám, rất phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, mía… Khí hậu điều hòa, mỗi năm có 2 mùa rõ rệt; thời tiết nóng ấm quanh năm với nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 27,8oC; độ ẩm không khí cao và đều, rất ít khi chịu ảnh hưởng của gió bão thích hợp cho cây trồng và vật nuôi phát triển.
Địa bàn Đồng Phú được bao quanh bởi hai con sông lớn (Sông Bé và sông Đồng Nai) cùng với nhiều suối chảy qua như: suối Rạt, suối Nước Trong, suối Giai, suối Lam, suối Mã Đà và nhiều suối nhỏ với lưu lượng ít, rải rác ở khắp vùng trong Huyện, đây là nguồn cung cấp nước rất quan trọng cho nhân dân sản xuất và sinh hoạt.
Rừng đồng phú có nhiều loại gỗ quý hiếm như Sao, Gõ đỏ, Giáng hương, Bằng lăng, Cẩm lai, và các loại lâm sản khác như lồ ô, tre, nứa soong, mây, các loại dược liệu. Trong kháng chiến, rừng vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa quân sự rất lớn, là nơi cung cấp thực phẩm cho bộ đội, nơi che chở bộ đội, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, vừa là nơi vây hãm, kìm bước quân thù.
Là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, có đường Quốc lộ 14, đường liên tỉnh ĐT.741 đi qua, đây là những con đường giao thông huyết mạch nối liền Đồng Phú với Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh và nước bạn Cam-pu-chia. Bên cạnh đó còn có hàng trăm kilômét đường liên xã và đường 322 (nay là ĐT.753) nối liền với các xã trong Huyện với nhau, rất thuận tiện cho việc giao thương, đi lại.
Hiện nay, Đồng Phú là huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có thế mạnh về đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực, tiềm năng kinh tế đã và đang được khơi dậy, hứa hẹn sẽ có những thành tựu đáng kể trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
II. Truyền Thống Văn hóa
Đồng Phú có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống (bao gồm 14 dân tộc anh em), dân cư tập trung từ mọi miền đất nước nên bản sắc văn hoá rất phong phú, đa dạng với nhiều loại hình văn hoá đặc sắc như: múa cồng chiêng, đi cà kheo (của người S`tiêng), lễ hội té nước (của người Khơme), hát quan họ, hát chèo, đờn ca tài tử (của người Kinh)… Nhưng truyền thống văn hoá lâu đời nhất ở Đồng Phú thuộc về đồng bào S`tiêng. Họ đã sống ở đây từ khoảng thế kỷ XVII, sống thành từng sóc nhỏ bên cạnh các con suối, mỗi sóc từ 5 đến 7 nhà, sống bằng nghề làm rẫy, làm ruộng và săn bắn, hái lượm. Họ thường sống trong các ngôi nhà dài đơn sơ được làm bằng gỗ, tranh tre và lồ ô, mỗi nhà chỉ có một cầu thang ở giữa để lên xuống; các loại dụng cụ sinh hoạt gia đình, công cụ sản xuất, vũ khí săn bắn… phần lớn đều làm từ cây rừng.
Người S’tiêng có hai ngày lễ lớn, đó là lễ cúng rẫy vào đầu năm và lễ mừng lúa mới vào cuối năm. Hằng năm, cứ đến độ tháng ba, tháng tư âm lịch là mùa phát rẫy, làm nương, đồng bào thường tổ chức lễ “cúng rẫy” cầu xin Giàng (trời) ban cho một vụ mùa bội thu, cầu cho mọi người được khoẻ mạnh, dân trong sóc được ấm no, vui vẻ. Đến khoảng tháng 10 âm lịch, khi mọi người gặt hái, rước lúa về sóc, kết thúc một năm làm lụng vất vả, đồng bào S’tiêng lại tổ chức lễ “cúng lúa”, đây là lễ hội lớn nhất trong năm. Vào dịp lễ hội, mọi người đều nghỉ ngơi, giết heo, đâm trâu, bò lấy đầu làm vật phẩm cúng tế trời, còn thịt thì xẻ ra cùng nhau ăn uống, nhảy múa, vui chơi ca hát và chúc tụng nhau. Trong lễ hội, người S’tiêng thường sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc như đờn đinh được làm bằng thân cây lồ ô và trái bầu, cồng, chiêng… trong ăn uống, vui chơi mọi người đều bình đẳng.
Trong đời sống tâm linh của người S’tiêng, “Trời” là biểu tượng của mọi uy quyền và sức mạnh, là đấng tối cao; mỗi khi có thiên tai, địch hoạ, bệnh tật họ đều cầu xin ông trời phù hộ, cứu giúp mình vượt qua hoạn nạn. Bản chất của người S’tiêng rất thật thà, chất phác, cần cù, thích tự do, sống có tình nghĩa, thuỷ chung, ghét sự dối trá, trộm cắp. Người S’tiêng cũng rất khéo tay và giàu óc sáng tạo, thể hiện rõ nét trong kỹ thuật đan lát, đẽo gọt và nhất là trong nghề dệt cổ truyền của người phụ nữ.
III. Đặc điểm dân cư và nhữnh biến đổi hành chính.
1. Đặc điểm dân cư
Năm 1976, dân số của Đồng Phú mới chỉ có khoảng 10.000 người sống phân tán trên một vùng rộng lớn, chủ yếu là đồng bào các dân tộc như: S’tiêng, M’nông, Khơme cùng với những gia đình công nhân thời Pháp thuộc và những người kháng chiến ở lại xây dựng quê hương. Thực hiện chủ trương của Đảng nhằm phân bổ lại dân cư, thành lập vùng kinh tế mới, Đồng Phú là nơi đất rộng người thưa, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa nên nhân dân từ khắp mọi miền đất nước tấp nập đến để xây dựng cuộc sống mới, chỉ riêng năm 1977 huyện đã tiếp nhận 25.000 dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Bắc đến lập nghiệp, nâng tổng số dân của huyện lên 43.000 người; đến năm 2005 dân số toàn huyện là 78.839 người.
Về tín ngưỡng, Đồng Phú có 6 tôn giáo lớn với 16.778 chức sắc, tín đồ, phật tử, chiếm 21,44% dân số của huyện.
Nhân dân Đồng Phú có truyền thống cần cù lao động sáng tạo, chịu thương chịu khó, khắc phục khó khăn gian khổ, đoàn kết, các dân tộc yêu thương giúp đỡ lẫn nhau luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, cùng nhân dân cả nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
2. Những biến đổi về địa giới hành chính
Tháng 10 năm 1976, Huyện Đồng Phú được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 huyện Đồng Xoài và Phú Giáo, gồm 17 xã, trung tâm của Huyện là xã Tân Phú (nay thuộc Thị xã Đồng Xoài). Là một vùng rộng lớn, kéo dài trên 50km dọc theo đường ĐT.741, từ cầu Sông Bé tới tận xã Phú Riềng của huyện Phước Long (xã Phú Riềng trước đây thuộc huyện Đồng Phú, năm 1988, nhập xã Phú Riềng vào huyện Phước Long).Do nhu cầu phát triển xã hội, Quốc hội khoá IX - kỳ họp thứ 10 ngày 6/11/1996 đã quyết định tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương, Đồng Phú trở thành trung tâm của tỉnh Bình Phước. Sau khi thực hiện chia tách tỉnh, Đồng Phú đã bàn giao 5 xã và 1 thị trấn với tổng diện tích đất tự nhiên là 109.863 ha, dân số 19.889 hộ với 92.959 khẩu về huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương.
Thực hiện Nghị định 90/1999/NĐ-CP, ngày 01/9/1999 của Chính phủ về việc “Thành lập thị xã Đồng Xoài và các phường, xã thuộc thị xã trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Đồng Phú”, Đồng Phú lại được điều chỉnh địa giới hành chính một lần nữa. Lúc này, diện tích tự nhiên của huyện còn 92.906,5 ha; dân số toàn huyện là 12.085 hộ, 59.220 khẩu, trung tâm của Huyện là xã Tân Lợi (nay là thị trấn Tân Phú).
Sau khi thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính theo bản đồ số 364, đến năm 2005 diện tích tự nhiên của Huyện là 93.542,53 ha; dân số 78.839 người. Huyện có 10 xã và 01 thị trấn.
Được sự quan tâm giúp đỡ của Tỉnh và Trung ương cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Đồng Phú đã và đang từng bước vươn lên tự khẳng định mình, ra sức phấn đấu trở thành một Huyện giàu về kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội, đẹp về văn hoá, vững mạnh về quốc phòng – an ninh, cùng cả nước đi lên thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.