Tiền thân là Trường sơ cấp Tài chính – Kế toán, được thành lập ngày 10/10/1977, theo Quyết định số 706/QĐ-UB của UBND tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương). Đến tháng 6 năm 1988 Trường được nâng lên thành Trường Trung học Tài chính – Kế toán, theo Quyết định số 26/QĐ – UB của UBND tỉnh Sông Bé.
Ngày 29/08/1989, UBND tỉnh Sông Bé ban hành Quyết định số 39/QĐ–UB sáp nhập Trường Nghiệp vụ Thương nghiệp vào Trường và lấy tên Trường Trung học Kinh tế - Tài chính.
Tháng 7/1993 Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp vào danh mục các Trường Trung học chuyên nghiệp của nhà nước. Đến khi tỉnh Bình Dương được tái lập, Trường được đổi tên thành Trường Trung học Kinh tế Bình Dương theo Quyết định số 4378/QĐ–UB, ngày 22/12/1997 của UBND tỉnh Bình Dương.
Vào tháng 03/2009, Trường được đổi tên thành Trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương theo Quyết định số 827/QĐ-UBND ngày 06/03/2009 của UBND tỉnh Bình Dương.
Trường là cơ sở giáo dục và đào tạo chuyên nghiệp, chịu sự quản lý của UBND tỉnh, trực tiếp, toàn diện và hướng dẫn của Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh, hoạt động theo Luật Giáo dục nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều lệ trường trung học chuyên nghiệp được ban hành tại Quyết định số 24/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 11/07/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo và những quy định của pháp luật.
Trường có chức năng đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ tài chính – kế toán cho các thành phần kinh tế, các đơn vị thụ hưởng công quỹ, các xã, phường thị trấn và các nghiệp vụ khác trong lĩnh vực kinh tế, có quan hệ đào tạo liên thông với các trường trung học phổ thông, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Trường chỉ có 9 người, kể cả Lãnh đạo, Giáo viên và phục vụ. Cơ sở của trường được tiếp nhận từ Ty Lâm nghiệp (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); cở sở vật chất nhà trường gồm 5 dãy nhà gỗ lợp tôn phi rô xi măng, Trường tổ chức đào tạo chỉ một lớp kế toán xí nghiệp công nghiệp. Thời kỳ đó Thầy trò đều ở lại khu tập thể. Ban đầu phải thắp đèn dầu để học (vì chưa có điện). Thời kỳ bao cấp, mọi mặt đều thiếu thốn, đời sống vật chất thực sự khó khăn – trong cái khó khăn chung của đất nước khi vừa thoát khỏi cuộc chiến gay go và ác liệt, vì vậy mỗi người phải nỗ lữ tăng gia sản xuất, vừa học vừa làm để tự cải thiện đời sống.
Trải qua bao thăng trầm, gian nan, vất vả, tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên nà trường đã quyết tâm phấn đấu để xây dựng một ngôi trường bề thế và khang trang như ngày hôm nay. Hiện nay tổng số Cán bộ, Giáo viên, Công nhân viên là 38 người, trong đó có 7 nhân viên hợp đồng.
Bộ máy gồm: BGH và 3 phòng chức năng (phòng đào tạo và quản lý học sinh, phòng tổ chức hành chính, phòng tài chính kế toán), 1 ban quản lý ký túc xá, 1 trung tâm ngoại ngữ - tin học và 4 tổ bộ môn Giáo viên (bộ môn cơ sở, bộ môn Tài chính – Tiền tệ, bộ môn Kế toán – Kiểm toán, bộ môn Chính trị - Pháp luật).