Trấn Yên là một huyện miền núi vùng thấp của tỉnh Yên Bái, có điều kiện tự nhiên và địa hình tương đối thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng. Phía Bắc giáp với huyện Văn Yên, phía Nam giáp huyện Hạ hoà tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái, phía Tây giáp với huyện Văn Chấn.
Tổng diện tích tự nhiên là 62.859,54 ha, chiếm 9,13 diện tích toàn tỉnh Yên Bái.
Trung tâm huyện cách thành phố Yên Bái 13,5 km, cách thủ đô Hà Nội gần 200km. Có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ rất thuận lợi cho việc đi lại và trao đổi hàng hoá giữa các địa phương trong và ngoài huyện. Toàn huyện được chia thành 22 đơn vị hành chính xã, thị trấn, trong đó có 7 xã vùng cao, 1 xã đặc biệt khó khăn, 12 xã khu vực II có thôn bản đặc biệt khó khăn.
2. Địa hình
Trấn Yên có địa hình chuyển tiếp từ trung du lên miền núi, được kiến tạo bởi dãy Pú Luông phía hữu ngạn và dãy con Voi phía tả ngạn sông Hồng, đều chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Độ cao trung bình từ 100 – 200 m so với mặt nước biển. Nơi thấp nhất là xã Minh Quân có độ cao 20m. Nhìn chung địa hành cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc. Các xã phía Nam có địa hình phần lớn là đồi bát úp, đỉnh bằng sườn thoải thuận tiện cho việc trồng cây lương thực và cây công nghiệp. Các xã nằm dưới chân núi con Voi và dãy Pú luông có địa hình phức tạp, chia cắt, núi đồi xen lẫn với thung lũng sâu, có độ dốc lớn nên khó khăn cho đi lại và giao lưu kinh tế. Song có điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề rừng và chăn nuôi đại gia súc.
3. Khí hậu
Trấn Yên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình từ 23,1 – 23,9 độ, nhiệt độ cao nhất là 38,9 độ, thấp nhất là 3,3 độ.
4. Dân số
Huyện có 6 dân tộc sinh sống, trong đó: Dân tộc Kinh chiếm 66,5%, dân tộc Tày chiếm 20,5%, dân tộc Dao chiếm 7,2%; dân tộc Mường chiếm 2,3%, dân tộc Cao Lan chiếm 1,2%, dân tộc H’Mông chiếm 1,9%, dân tộc khác chiếm 0,4%.
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1, 035%; mật độ dân số 132 người/km2.
5. Các điểm du lịch trên địa bàn
- Hiện nay trên địa bàn toàn huyện có tổng số: 7 di tích đã được các cấp có thẩm quyền công nhận, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia là:
Chiến khu cách mạng Làng Vần bao gồm một quần thể các điểm di tích như: Gò cọ Đồng Yếng xã Vân Hội; Di tích nhà ông Trần Đình Khánh; Di tich Đình Trung; Di tích Hang Dơi xã Việt Hồng.
* Có 06 di tich xếp hạng cấp tỉnh là:
- Đền Hóa Cuông – xã Hòa Cuông – Di tích lịch sử văn hóa.
- Đình làng dọc – xã Việt Hồng – Di tich lịch sử văn hóa.
- Đình Hoà Quân - xã Minh Quân - Di tích lịch sử văn hoá.
- Gò cọ Làng Chiêng – xã Cường Thịnh – Di tich lịch sử cách mạng.
- Di tích chùa Linh Thông xã Minh Quân – Di tích lịch sử cách mạng.
- Di tích đồn Ca Vịnh xã Hồng Ca – Di tích lịch sử cách mạng.