Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là con An Sinh Vương Trần Liễu và bà Nguyệt phu nhân, cháu ruột vua Trần Thái Tông. Về năm sinh của Trần Hưng Đạo, các tài liệu ghi khác nhau, chưa thể khảng định dứt khoát. Ông quê ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam hạ, nay là huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ, ông có tư chất hơn người, thông minh tài trí, lại được giáo dục toàn diện, nên sớm trở thành một trang tuấn kiệt, văn võ song toàn. Năm 18 tuổi, được phong tước Thượng Võ Hầu.
Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Hưng Đạo gắn liền với cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược, với những chiến công vĩ đại của nhân dân Đại Việt trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước. Ông là một tấm gương lớn về đạo đức nhân cách và lòng yêu nước. Cuộc đời Trần Hưng Đạo trải qua một lần gia biến, ba lần quốc nạn, nhưng ông luôn luôn chứng tỏ là bậc hiền lương, anh hùng xuất thế. Ông đã gạt bỏ mọi hiềm khích cá nhân, vun trồng và phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong dòng tộc, trong triều đình, và toàn thể quân dân Đại Việt trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.
Năm 1258, khi 2,5 vạn kỵ binh Mông Cổ ào ạt vượt qua biên giới, mở đầu cuộc tiến công xâm lược Đại Việt, Trần Hưng Đạo được vua Trần Thái Tông giao quyền chỉ huy các tướng phòng thủ và đánh giặc ở vùng lãnh thổ phía tây bắc Tổ quốc. Trần Hưng Đạo đã chủ động đảm nhận và hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình, xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của triều đình và của các tướng sĩ. Toàn bộ dải biên cương trùng điệp núi rừng ở phía Bắc được kiểm soát chặt chẽ. Những thông tin chính xác do Trần Hưng Đạo chuyển về có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc hoạch định kế sách chung của triều đình. Do tài điều binh khiển tướng, nên ngay trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất, Ông đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của quân dân Đại Việt.
Trong hai lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 (năm 1285) và thứ 3 (1287 - 1288), ông được phong làm Quốc Công Tiết Chế, Tổng chỉ huy quân đội cả nước. Là một nhà quân sự thiên tài, ông luôn kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, tin tưởng dựa vào sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc, để hoạch định chiến lược, đề ra kế hoạch tác chiến, chủ động đưa quân và dân Đại Việt vượt qua hiểm nguy, từng bước giành những chiến thắng có ý nghĩa quyết định, cuối cùng là trận Bạch Đằng lẫy lừng muôn thuở (năm 1288), buộc quân Nguyên Mông phải từ bỏ hoàn toàn mưu đồ xâm lược nước ta.
Do có những công lao vĩ đại, năm Trùng Hưng thứ 5 (1289) ông được tiến phong làm Đại Vương, gia phong thêm tước Thượng Quốc Công, được quyền tự ban tước phẩm cho người khác, được ban thái ấp ở Vạn Kiếp. Vua Trần cho lập đền thờ khi ông còn sống gọi là Sinh Từ (Từ Cũ); Thượng hoàng Thánh Tông tự soạn văn bia Sinh Từ ca ngợi, ví ông với Thượng Phụ (tức Lã Vọng ngày xưa được Chu Vũ Vương tôn làm thầy).
Đất nước thanh bình, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn về sống tại Vạn Kiếp. Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý, tức ngày mồng 5 tháng 9 năm Hưng Long thứ 8 (1300), ông mất tại tư dinh Vạn Kiếp, được triều đình phong tước hiệu cao nhất Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
Cả cuộc đời, ông đã cống hiến cho đất nước, cho nền nghệ thuật quân sự nước nhà, đặt cơ sở cho sự hình thành binh pháp Việt Nam và để lại cho đời sau những tác phẩm quý như: Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư, Binh Thư Yếu Lược, Hịch Tướng sĩ…
Cảm phục tài năng đức độ của Quốc Công Tiết Chế, sử thần Ngô Thì Sỹ ca ngợi: “Tài văn võ có thể làm phép cho muôn đời, mà riêng không nhận sự tốt đẹp ấy; anh hùng có thể lừng danh hai nước mà cũng không coi mình là người có công nghiệp ấy. Thế lực có thể lật núi lấp sông, xua tan sấm gió mà vẫn nơm sợ oai trời gang tấc…về lòng trung thấu đến mặt trời, mặt trăng, khí tiết động đến quỉ thần…Thật đáng làm gương hàng trăm đời cho những người bề tôi”.