CHỨC NĂNG - NHIỆM VỤ
1. Chức năng:
Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có chức năng giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài chính, giá cả trên địa bàn tỉnh theo chế độ chính sách của Nhà nước. Sở Tài chính chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo toàn diện của UBND tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính và Ban Vật giá Chính phủ.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn.
a. Nhiệm vụ:
1- Giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện và hướng dẫn các cơ quan thuộc tỉnh và cơ quan Tài chính cấp dưới thực hiện pháp luật, chính sách chế độ và các quy định của Nhà nước về tài chính, ngân sách, kế toán và kiểm toán trên địa bàn.
2- Xây dựng các văn bản quy định về việc thu phí, lệ phí, phụ thu, vay và trả nợ, về huy động sự đóng góp của các cá nhân và các tổ chức thuộc thẩm quyền của địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành; hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.
3- Hướng dẫn các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh và cơ quan tài chính cấp dưới xây dựng dự toán Ngân sách Nhà nước hàng năm theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, xem xét và tổng hợp để xây dựng dự toán ngân sách địa phương, mức bổ sung ngân sách cho cấp huyện, quy định việc bổ sung ngân sách cho cấp xã; lập dự toán điều chỉnh Ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết trình UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh quyết định; xác định tỉ lệ điều tiết các khoản thu cho ngân sách cấp dưới trình UBND tỉnh quyết định; đề xuất các biện pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ thu chi ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí trình cấp có thẩm quyền quyết định.
4- Lập phương án phân bổ dự toán Ngân sách tỉnh trình UBND tỉnh xem xét để trình HĐND tỉnh quyết định; quản lý Ngân sách tỉnh đã được quyết định. Tham gia với Sở Kế hoạch- Đầu tư về kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản trình UBND tỉnh quyết định. Phối hợp với các cơ quan thu trong việc thực hiện công tác quản lý thu thuế, phí và các khoản thu khác trên địa bàn; phối hợp với Kho bạc Nhà nước thực hiện cấp phát đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ, tiêu chuẩn cho các đối tượng sử dụng Ngân sách tỉnh.
5- Quản lý tài sản thuộc sở hữu Nhà nước thuộc khu vực hành chính sự nghiệp tại địa phương theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
6- Xem xét, kiểm tra về mặt tài chính đối với việc xây dựng và hình thành các dự án đầu tư bằng vốn Ngân sách địa phương, các dự án vay vốn của địa phương, giúp UBND tỉnh kiểm tra việc sử dụng vốn và thực hiện kế hoạch trả nợ vay; quản lý và kiểm tra việc sử dụng các nguồn vốn và tài sản viện trợ của địa phương.
7- Quản lý và sử dụng quỹ dự trữ tài chính của tỉnh theo quy định của pháp luật và quyết định của UBND tỉnh.
8- Quản lý các nguồn kinh phí uỷ quyền của Trung ương.
9- Kiểm tra và xét duyệt quyết toán của các cơ quan Nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, các tổ chức sử dụng Ngân sách tỉnh.
10- Hướng dẫn cơ quan tài chính cấp dưới tổng hợp số liệu về thu chi Ngân sách Nhà nước tại địa bàn và thực hiện quyết toán Ngân sách cấp mình. Tổng hợp tình hình thu chi Ngân sách Nhà nước, lập tổng quyết toán Ngân sách Nhà nước hàng năm của địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
11- Thực hiện chế độ báo cáo về tài chính, ngân sách theo quy định.
12- Quản lý Nhà nước đối với hoạt động xổ số, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ và tư vấn về tài chính, bảo hiểm, kế toán và kiểm toán tại địa phương theo quy định của pháp luật. Tham gia với cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp trong việc quản lý tài chính đối với doanh nghiệp theo phân cấp.
13- Thanh tra, kiểm tra về tài chính, Ngân sách của chính quyền cấp dưới và các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp tại địa phương có trực tiếp liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Ngân sách địa phương; thực hiện chế độ quản lý tài chính Nhà nước, quản lý tài sản Nhà nước của địa phương theo quy định.
14- Thống nhất quản lý về quy hoạch, kế hoạch bồi dưỡng và sử dụng cán bộ chuyên môn nghiệp vụ tài chính, kế toán thuộc địa phương theo quy định.
15- Thực hiện các nhiệm vụ công tác giá cả trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Ban Vật giá Chính phủ (Thẩm định giá, kiểm soát giá độc quyền và bảo vệ sản xuất cạnh tranh lành mạnh, thanh tra giá, thông tin báo cáo giá...).
b. Quyền hạn:
Sở Tài chính có quyền hạn sau:
Sở Tài chính -Vật giá có quyền hạn sau: cần thiết cho việc lập dự toán Tài chính - Ngân sách, cấp phát và quản lý vốn, quản lý tài sản, quản lý giá cả cho công tác kiểm tra và thanh tra tài chính giá cả.
2- Tạm ngừng cấp phát và xuất toán những khoản chi không đúng mục đích, sai nguyên tắc, chế độ quy định hiện hành của Nhà nước.
3- Tổng hợp bổ sung kinh phí (Ngoài dự toán năm tỉnh đã phân bổ) trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cho các đơn vị được tỉnh giao thêm nhiệm vụ đột xuất và cấp bách; cho các đơn vị tách ra hoặc mới được thành lập theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
4- Hướng dẫn chỉ đạo và kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ tài chính giá cả đối với Phòng Tài chính kế hoạch huyện, thị xã.
5- Thực hiện tham gia bổ nhiệm và quản lý kế toán trưởng các đơn vị sản xuất kinh doanh, các đơn vị sự nghiệp hạch toán kinh tế (Theo Pháp lệnh Kế toán thống kê) và theo phân cấp của UBND tỉnh.
TỔ CHỨC
1. Tổ chức bộ máy:
a. Lãnh đạo Sở: Gồm Giám đốc và các Phó Giám đốc giúp việc Giám đốc.
- Giám đốc Sở do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Tài chính.
- Phó Giám đốc do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Giám đốc Sở và Giám đốc Sở Nội vụ.
b. Các Phòng, ban thuộc Sở:
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tài chính-Vật giá Bắc Ninh gồm 9 phòng, ban, trung tâm sau:
- Phòng Quản lý ngân sách.
- Phòng Tài chính Hành chính Sự nghiệp.
- Phòng Tài chính doanh nghiệp.
- Phòng Tài chính đầu tư.
- Phòng Tin học và Thống kê
- Ban Vật giá.
- Thanh tra Sở.
- Văn phòng Sở (Tổ chức cán bộ, Hành chính quản trị, Tài vụ kế toán).
- Trung tâm Tư vấn dịch vụ quản lý tài sản và bất động sản.
Mỗi Phòng, ban, trung tâm của Sở có Trưởng phòng và các Phó phòng, ban giúp việc.
c. Doanh nghiệp Nhà nước thuộc Sở: Công ty Xổ số kiến thiết Bắc Ninh.
d. Biên chế của Sở: Thuộc biên chế quản lý Nhà nước do Chủ tịch UBND tỉnh phân bổ hàng năm theo yêu cầu công việc.
- Biên chế của từng Phòng, Ban trong Sở do Giám đốc Sở bố trí sắp xếp cho phù hợp trong tổng biên chế được phân bổ.
2. Các mối quan hệ công tác:
a. Mối quan hệ với cấp trên (UBND tỉnh, Bộ Tài chính và Ban Vật giá Chính phủ).
- Sở Tài chính có trách nhiệm báo cáo và giúp UBND tỉnh trong việc phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Vật giá Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động tài chính, giá cả tại địa phương theo quy định của pháp luật.
- Sở Tài chính có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc phối hợp với UBND tỉnh để có các chủ trương, biện pháp phối hợp, quản lý, bố trí sử dụng, bồi dưỡng và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức các tổ chức quản lý tài chính chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính quản lý đóng taị địa phương.
b. Mối quan hệ giữa Sở Tài chính với các tổ chức thuộc Bộ Tài chính đóng tại địa phương (Cục thuế, Kho bạc, Chi cục dự trữ, Hải quan BN).
c. Mối quan hệ của Sở Tài chính với các Sở, Ban, ngành trong tỉnh là mối quan hệ phối hợp trong chỉ đạo công tác tài chính giá cả, trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình. Sở Tài chính được phép yêu cầu các Sở, Ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh báo cáo và cùng triển khai thực hiện công tác tài chính vật giá.
d. Mối quan hệ giữa Sở Tài chính với UBND huyện, thị xã là mối quan hệ phối hợp trong tổ chức chỉ đạo hoạt động của ngành Tài chính - Vật giá trên địa bàn huyện, thị, về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị xã.