Đăng ký Doanh nghiệp vào Danh bạ 0915.050.067 - Email: truyenthongcongnghe@gmail.com
DANH MỤC NGÀNH NGHỀ
FANPAGE FACEBOOK
 
Bản in
Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng
Tin đăng ngày: - Xem: 6252

Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng

ĐC: Số 12 Trần Hưng Đạo, thành phố Đà Lạt
Xem bản đồ:
Tel: 063.3822072
Email: daiptthldg@vnn.vn
Website: http://www.dalat.gov.vn/ptth
Đại diện: Lương Văn Sinh

I. Những hoạt động khởi đầu của sự nghiệp phát thanh truyền hình Lâm Đồng:

1. Những ngày đầu tháng 8 năm 1945 lịch sử, tin tức về các sự kiện lớn : thắng lợi của quân đội đồng minh trên các chiến trường Châu Âu, Châu Á; sự sụp đổ của chế độ phát xít Đức - Ý và quân phiệt Nhật; các hoạt động chính trị - quân sự của khu giải phóng Việt Bắc; đặc biệt là tin Hà Nội và một số tỉnh ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ khởi nghĩa thành công, chính quyền cách mạng đã được thiết lập… dội về Đà Lạt khiến không khí chính trị thêm sôi động, náo nức. Cuộc khởi nghĩa thành công mau lẹ của nhân dân Cầu Đất - xã Xuân Trường và thị trấn Đờ Răn, huyện Đơn Dương vào sáng và chiều ngày 21 tháng 8 năm 1945 cho thấy thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng đã chín muồi. Tối ngày 21 tháng 8 năm 1945, ủy ban khởi nghĩa Đà Lạt - Lâm Viên quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Lạt vào ngày 23 tháng 8 năm 1945. Các đoàn thể cách mạng đã tiến hành phổ biến kế hoạch khởi nghĩa; hướng dẫn cho hội viên chuẩn bị các phương tiện cần thiết (cờ, băng, loa tay, gậy gộc, dao búa, súng ống…) để tham gia khởi nghĩa. Trong thời gian này, một số thanh niên trí thức và đoàn hướng đạo sinh dưới sự chỉ đạo của Ông Nghiêm Nghị (tức là Nguyễn Chí Điềm) - ủy viên ban khởi nghĩa bí mật thiết lập một trạm truyền thanh trong phòng nhở ở trước chợ trung tâm Đà Lạt (nay là rạp hát 3 - 4 khu Hòa Bình). Sáng sớm (khoảng 4 giờ) ngày 23 tháng 8 năm 1945, Ông Nghiêm Nghị - thay mặt ủy ban khởi nghĩa Đà Lạt - Lâm Viên, qua hệ thống loa truyền thanh đọc lệnh khởi nghĩa và kêu gọi các tầng lớp nhân dân Đà Lạt tham gia vào cuộc biểu tình thị uy buộc Tổng đốc Lâm - Đồng - Ninh - Bình Trần Văn Lý(1) và Tỉnh trưởng Lâm Viên Ưng An giao chính quyền cho ủy ban khởi nghĩa. Một cụm loa ba chiếc gắn trên nóc chợ và một cụm hai chiếc đặt trên ngọn cây thông phía sau nhà thờ Tin Lành đã tung sóng đi hầu khắp vùng đông dân cư ở nội ngoại thị Đà Lạt. Khi các đoàn biểu tình của quần chúng bao vây dinh Tỉnh trưởng, đồn bảo an binh, dinh Tổng đốc, tiếng nói của đại diện ủy ban khởi nghĩa qua trạm truyền thanh truyền đến có tác dụng rất lớn trong việc chỉ đạo, động viên cổ vũ, hỗ trợ quần chúng tiến công kẻ thù. Ngày 24 tháng 8 năm 1945, phòng thông tin của chính quyền cách mạng được thiết lập tại một gian phòng trước chợ trung tâm Đà Lạt, cạnh trạm truyền thanh. Phòng thông tin có nhiệm vụ : trưng bày tranh ảnh, tranh cổ động phản ảnh các hoạt động của phong trào cách mạng chung cả nước và địa phương. Phần nhiều ảnh thời sự, tranh cổ động là do các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nghiệp dư sáng tác. phòng còn là nơi để bà con nhân dân đến đọc báo, bản tin thời sự (do trạm Truyền thanh biên soạn). Ngoài ra còn có đoàn ca nhạc kịch tuyên truyền xung phong, hoạt động theo phương thức lưu động. Phạm vi hoạt động của Đoàn mở rộng  cả các vùng trong hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng. Trước mỗi buổi biểu diễn của Đoàn đều có mục thông báo tin tức thời sự trong tỉnh và cả nước. Nội dung của thông báo này là tổng hợp từ các bản tin thời sự của Trạm truyền thanh. Các đơn vị : Trạm Truyền thanh, Phòng thông tin và Đoàn ca nhạc kịch tuyên truyền xung phong có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về nội dung hoạt động; về tổ chức thì độc lập công tác, dưới sự chỉ đạo chung của ủy viên tuyên truyền - ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên Ngô Huy Diễn(2). Thiết bị, kinh phí hoạt động của Trạm truyền thanh cũng như của Phòng thông tin, Đoàn tuyên truyền xung phong đều do các thành viên trong đơn vị đóng góp và các nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm. Từ ngày 25 tháng 8 năm 1945, Trạm truyền thanh đi vào hoạt động nề nếp : mỗi ngày truyền thanh ba buổi, sáng từ 5h30 đến 8h00; trưa từ 11h00 đến 2h00; chiều tối từ 17h30 đến 19h30. Khi có những sự kiện đặc biệt của địa phương như : Ngày lễ Độc lập 2 tháng 9 năm 1945; sự kiện ngày 3 tháng 10 năm 1945(3), các buổi đấu giá hiện vật lấy tiền đóng góp vào quỹ độc lập, tuần lễ vàng, tuần lễ đồng… Trạm truyền thanh hoạt động hầu như suốt ngày để phản ánh kịp thời tin tức các hoạt động chính trị - quân sự ở địa phương. Mở đầu các buổi truyền thanh là bản nhạc hiệu bài hát Tiếng gọi thanh niên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Từ ngày 5 tháng 9 năm 1945 nhạc hiệu đổi thành bài hát Diệt phát xít của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi; theo nhạc hiệu của đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Buổi truyền thanh sáng, trước nhạc hiệu là bài Tiến quân ca (Quốc ca) và kết thúc buổi phát thanh chiều tối là bài Tiến quân ca. Chương trình truyền thanh gồm có các chuyên mục : bản tin thời sự trong nước - địa phương; chính sách của chính phủ lâm thời nước VNDCCH  và ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh; tài liệu tuyên truyền về các cuộc vận động cách mạng; gương các anh hùng liệt sĩ; bản tin tổng hợp tình hình thế giới (phát hàng tuần vào chiều chủ nhật); chiều thứ năm và chủ nhật hàng tuần có 30 phút ca nhạc cách mạng. Bản tin trong nước và tjees giới ghi lại (tốc ký) bản tin thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau ngày 5 tháng 9 năm 1945 ghi theo bản tin đọc chậm của Việt Nam thông tấn xã phát trên Đài TNVN. Những người viết tin, đi lấy tin người gảy đàn băng rô nhạc hiệu, quốc ca cả những người thực hiện chương trình ca nhạc hàng tuần đều công tác tự nguyện. Ngày 16 tháng 11 năm 1945 giặc Pháp được sự hỗ trợ của quân Anh, Nhật đã chiếm thị xã Đà Lạt, nhân viên của Trạm truyền thanh rút về Cầu Đất.

            Tuy chỉ là Trạm truyền thanh, phạm vi phát sóng không rộng; nhưng những chiến sĩ thông tin - truyền thanh cách mạng đã hoạt động hết sức mình góp phần tạo nên cao trào cách mạng hết sức sôi nổi trong những ngày đầu dựng nước; đặc biệt họ đã thỏa mãn được một phần đáng kể khát vọng của số đông quần chúng nhân dân được tự do tiếp nhận thông tin sau hàng thế kỷ bị bưng bít trong đêm đen nô lệ.

           2. Từ tháng 11 năm 1945, nhân dân Đà Lạt - Lâm Đồng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Công tác thông tin được triển khai thông qua các phương tiện truyền tin, truyền đơn của các đội công tác và các tờ báo cách mạng, yêu nước(4). Hoạt động truyền thanh - phát thanh tạm lắng vì thiếu những điều kiện khách quan. Nhưng trong cuộc chiến đấu gian khổ, quyết liệt này, một sự kiện đặc biệt xuất sắc được ghi trong trang sử vàng ngành Phát thanh - Truyền hình nói riêng và nhân dân các dân tộc Đà Lạt - Lâm Đồng nói chung: Đài Phát thanh cách mạng hoạt động công khai giữa lòng địch ở Đà Lạt suốt gần 50 giờ.

            Cuối năm 1965 đầu năm 1966, bị thất bại trong “chiến tranh đặc biệt”, để cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền tay sai, đế quốc Mỹ đã chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Chúng ồ ạt đổ hàng chục vạn quân Mỹ, chư hầu vào miền Nam nước ta và tăng nhanh quân đội Ngụy. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thị ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Đà Lạt, quân và dân ta đã cùng với cả nước nêu cao quyết tâm giữ vững chiến lược tiến công “kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào” (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của BCH Trung ương Đảng khóa III). Trong bối cảnh ấy, phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng vũ trang của tỉnh Lâm Đồng - Đà Lạt đang mở các cuộc tiến công vào các căn cứ, cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy, các trục giao thông huyết mạch và nhiều vùng nông thôn; nhân dân Đà Lạt - lực lượng nòng cốt là giới học sinh sinh viên đã đẩy mạnh cao trào đấu tranh chính trị đòi quyền dân chủ - dân sinh. Tháng 3 năm 1966, khi thời cơ đã chín muồi, Thị ủy Đà Lạt đã thông qua một số cốt cán cách mạng tập hợp một số phần tử trung kiên tổ chức trung tâm đấu tranh chính trị công khai, lấy tên gọi là “lực lượng nhân dân học sinh sinh viên tranh thủ dân chủ Đà Lạt”. Tổ chức này đã thuyết phục lôi kéo được khá đông đảo những người yêu nước trong giới học sinh sinh viên, tiểu thương, nhà vườn, lao động dịch vụ vào các hoạt động chính trị. Sáng ngày 28 tháng 3 năm 1966, đại bộ phận giáo viên học sinh Trường Trung học Trần Hưng Đạo bãi khóa xuống đường biểu tình, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Cuộc bãi khóa, xuống đường này đã lập tức được sự đồng tình hưởng ứng của học sinh sinh viên các trường Bùi Thị Xuân, Bồ Đề, Viện Đại học…. Lực lượng học sinh, sinh viên đã kéo ra quảng trường khu Hòa Bình để tổ chức mit tinh. Bà con tiểu thương, lao động và một số viên chức đã tham gia cuộc biểu dương lực lượng lớn này. Mục tiêu của cuộc đấu tranh chính trị được công bố tại cuộc mit tinh gồm : Mỹ phải tôn trọng  chủ quyền Việt Nam, không được can thiệp vào nội bộ Việt Nam, phải có chính quyền dân cử tự do. Chính quyền địa phương phải trục xuất người Mỹ khỏi Đà Lạt, giảm giá sinh hoạt. Đòi quyền tự quyết trong các trường học…. Sáng ngày 30 tháng 3 năm 1966 tiểu thương chợ Đà Lạt và các hiệu buôn đã bãi thị để hưởng ứng cuộc đấu tranh. Sáng ngày 1 tháng 4 năm 1966 gần 4.000 người đã tổ chức mít tinh tại khu Hòa Bình. Sau đó, đoàn biểu tình kéo đến phòng thôn tin Mỹ và giao cho viên giám đốc một bản tuyên bố bằng hai thứ tiếng Việt - Anh với nội dung đòi lực lượng Mỹ phải rút ngay khỏi Đà Lạt. Đoàn biểu tình đã buộc luật sư Nguyễn Thị Hậu, Thị trưởng Đà Lạt ra đối chất với quần chúng. Bà con nhân dân đã chất vấn chính quyền về những chính sách phản dân chủ, lệ thuộc Mỹ; đồng thời đưa yêu sách gồm ba nội dung :

- Mượn Đài Phát thanh mỗi ngày một giờ và xe thông tin lưu động để làm phương tiện hoạt động cho quần chúng đấu tranh.

- Mượn địa điểm có đủ tiện nghi cần thiết để làm trụ sở của bộ phận lãnh đạo và chính quyền không được kiểm soát hoạt động của trụ sở.

- Bảo đảm an ninh tính mạng cho những người tham gia đấu tranh chính trị.

Thị trưởng Đà Lạt không chấp nhận yêu sách trên. Đoàn biểu tình đã bao vây chiếm Đài Phát thanh…. Ở đây địch có một đại đội nghĩa quân bảo vệ. Trước sức mạnh của quần chúng, binh lính địch hạ vũ khí những người phụ trách Đài phát thanh phá hỏng một số máy móc và bỏ chạy. 12 giờ 50 phút ngày 1 tháng 4 năm 1966 Đài Phát thanh Đà Lạt vào tay lực lượng cách mạng. Một số nhân viên kỹ thuật cũ của đài tình nguyện ở lại giúp sửa chữa, tìm vật tư thay thế máy móc. Đội bảo vệ Đài gồm những thanh niên học sinh trung kiên được hình thành. Đến 1 giờ 30 sáng 2/4/1966 chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh của lực lượng đấu tranh chính trị được phát sóng. Quần chúng ở Đà Lạt, Tuyên Đức… hết sức phấn khởi, tự hào khi nghe tiếng nói của ĐÀI Phát thanh cách mạng. Đài hoạt động liên tục, phát đi mục tiêu của cuộc đấu tranh, bản tuyên bố của lực lượng đấu tranh gọi tắt là “Tuyên bố mười muốn, mười không” (Muốn hòa bình, độc lập, tự quyết, dân sinh, dân chủ…. Không muốn chiến tranh, đàn áp bóc lột, làm lính đánh thuê cho Mỹ…); những bài chính luận chống Mỹ và chính quyền phản dân chủ Thiệu - Kỳ; kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh; tin tức tình hình cuộc đấu tranh ở Đà Lạt và các thành phố Huế, Quy Nhơn, Sài Gòn… cùng với các nội dung trên là các bài hát cách mạng thời kỳ cách mạng tháng Tám, bài hát của phong trào đấu tranh chính trị toàn miền Nam. Bà con tiểu thương, lao động, thực phẩm, gạch đá, xăng dầu… cho lực lượng phụ trách bảo vệ Đài Phát thanh.

Để dập tắt phong trào đấu tranh chính trị ở Đà Lạt, địch đã huy động quân đội, cảnh sát ở địa phương, điều thêm một đại đội biệt động quân thuộc quân đoàn II bao vây chiếm giữ khu Hòa Bình, chợ Đà Lạt, các ngả đường ở trung tâm và ngoại vi thành phố. Riêng khu vực Đài Phát thanh địch đã sử dụng 4 đại đội địa phương quân bao vây, tấn công chiếm lại đài. Lực lượng thanh niên học sinh, lao động bên ngoài đã kéo đến dùng gậy gộc, gạch đá tấn công vào binh lính địch, hỗ trợ cho lực lượng bên trong đài chiến đấu. Sau hàng giờ chống trả quyết liệt với địch, lực lượng phụ trách, bảo vệ Đài Phát thanh cách mạng đã phá máy móc, đổ xăng đốt đài và rút lui vào lúc sáng ngày 4/4/1966.

Cuộc đấu tranh chính trị quy mô lớn, quyết liệt và kéo dài này đã biểu thị tinh thần bất khuất chống xâm lược của nhân dân Đà Lạt. Việc chiếm Đài Phát thanh sử dụng sóng phát thanh để tuyên truyền, cổ vũ cho cuộc đấu tranh là một hành động cách mạng hết sức quả cảm, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của những thanh niên học sinh yêu nước Đà Lạt.

         Tuy chỉ hơn 50 giờ hoạt động, nhưng Đài Phát thanh cách mạng công khai giữa lòng địch ở Đà Lạt đã biểu thị tinh thần cách mạng tiến công, táo bạo, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân Đà Lạt. Đây là một sự kiện lịch sử đặc sắc, độc nhất vô nhị trong lịch sử đấu tranh chống kẻ thù xâm lược không chỉ của dân tộc mà còn cả nhiều dân tộc trên thế giới.

Trạm truyền thanh Đà Lạt và Đài Phát thanh cách mạng giữa lòng địch ở Đà Lạt là những tổ chức tiền thân của sự nghiệp phát thanh truyền hình Lâm Đồng.

II. Sự nghiệp phát thanh những năm đầu giải phóng (1975 – 1985)

Đầu năm 1975, trước sự tấn công vũ bão và thần tốc của quân và dân ta, quân dội của chính quyền Sài Gòn đại bại trên các chiến trường Bắc Tây Nguyên, Trị Thiên, Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Chúng vội vã rút quân về lập tuyến phòng thủ từ xa cho Sài Gòn ở Phan rang trở vào. Ngày 27/03/1975 sư đoàn 7 thuộc quân đoàn 4 tấn công giải phóng thị trấn Đạ Huoai thuộc tỉnh Lâm Đồng. Ngày 28/03/1975 giải phóng thị xã Bảo Lộc. Một đơn vị quân đội của quân khu 6 đánh chiếm thị trấn Di Linh. Đường 20, con đường nối liền Đà Lạt với Sài Gòn bị cắt đứt. Quân địch ở Đà Lạt - Tuyên Đức hoang mang cực độ. Đêm 31 tháng 3 năm 1975 chúng rút chạy theo đường 11 về Phan Rang. Một số cơ sở yêu nước đã tổ chức các đội tự vệ dùng súng của địch bỏ lại để giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ nhân dân trong thị xã. Các cơ sở như nhà máy điện, nhà máy nước, nha địa dư, viện Pat-xtơ, viện nguyên tử, ngân hàng, đài phát thanh… đội tự vệ đã tự vũ trang để bảo vệ cơ sở. Đầu tháng 4 năm 1975 Ban Thông tin khu 6 cử đội công tác về tiếp quản Đài phát thanh Đà Lạt. Đội gồm có: Nguyễn Trung Kiên(1), Phạm Bá An. Do kĩ sư Nguyễn Trung Kiên phụ trách. Đội công tác đã tiến hành tiếp quản khá thuận lợi Đài phát thanh Đà Lạt tại số 9 đường Chu Văn An. Ông Nguyễn Thông - công nhân kĩ thuật, thành viên trong đội tự vệ bảo vệ Đài đã trao chìa khóa cho đội công tác. toàn bộ cơ sở kĩ thuật của Đài được bảo quản tốt. Các cán bộ, nhân viên kĩ thuật của Đài đã vận hành cho đài hoạt động. Lúc này chưa có bộ phận làm nội dung chương trình phát thanh, nên chỉ tiếp âm Đài tiếng nói Việt Nam, Đài giải phóng trên tần số 1440 KHz vời máy phát sóng trung 1KW. Chiều ngày 26 tháng 4 năm 1975, đoàn công tác của Đài tiếng nói Việt Nam gồm 13 người do kĩ sư Đặng Trung Hiếu - Phó trưởng cục kĩ thuật phát thanh - phó trưởng ban vô tuyến truyền hình phụ trách trên đường hành quân về chuẩn bị tiếp quản Đài phát thanh và Đài truyền hình Sài Gòn qua Đà Lạt. Đêm hôm đó đoàn đã kiểm tra, đo đạc, điều chỉnh các thiết bị kĩ thuật cũa Đài. Gần sáng 27/04, công việc hoàn tất, đoàn tiếp tục cuộc hành trình. Trong thời gian khẩn trương này, bộ máy tổ chức của Đài phát thanh giải phóng Đà Lạt được hình thành. Sau ngày giải phóng, 5 tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới: tỉnh Thuận Lâm. Đà Lạt là đơn vị hành chính trực thuộc TW. Đài phát thanh giải phóng Đà Lạt do ty văn hóa thông tin Đà Lạt quản lý. Bộ máy tổ chức đầu tiên của Đài gồm có:

                - Ông Hồ Phú Diên - Trưởng ty văn hóa thông tin Đà Lạt kiêm giám đốc Đài PTGP Đà Lạt.

                - Bộ phận biên tập, phóng viên: Nguyễn Ý Thu, Nguyễn Lương Tâm, Hoàng Kim Ngọc, Nguyễn Thị Minh Tâm, Nguyễn Thị Thục, Phạm Thị Hải, Nguyễn Đức Trọng.

               - Bộ phận kỹ thuật: Nguyễn Trung Kiên, Phạm Bá An, Trần Văn Thọ, Võ Văn Lập, Võ Văn Trung, Phạm Trí Thức, Huỳnh Phước Quả, Nguyễn Thông.

             Đúng 19 giờ ngày 27 tháng 4 năm 1975, Đài Phát Thanh Giải Phóng Đà Lạt. Tiếng nói của nhân dân, Đảng bộ và chính quyền Đà Lạt chính thức phát sóng bản tin thời sự tổng hợp đầu tiên. Đài PTGP Đà Lạt là đài hoạt động sớm nhất trong các đài ở miền Nam trước ngày giải phóng thành phố Sài Gòn. Những ngày đầu hoạt động, Đài gặp rất nhiều khó khăn; nhưng nhờ nhiệt tâm cách mạng, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái các cán bộ biên tập, phóng viên, kỹ thuật viên đã có những nỗ lực vượt bậc bảo đảm hoạt động liên tục của Đài, tích cực phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ là củng cố chính quyền cách mạng, đảm bảo trật tự trị an, phục hồi sản xuất, huy động sức người, sức của góp phần cao nhất vào chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam. Những ngày sôi động này, các văn kiện của chính quyền cách mạng, chính phủ; tin chiến thắng trên các chiến trường – đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh… đã được truyền đến nhanh nhất, sâu rộng nhất với đồng bào, chiến sĩ ở địa phương qua làn sóng của Đài. Nhiều tấm gương tốt trong các hoạt động chính trị - xã hội, giữ gìn trật tự an ninh, chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng v.v…  được kịp thời phản ánh trong các nội dung chương trình của Đài đã góp phần tích cực động viên, cổ vũ khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân các dân tộc trong cao trào cách mạng mới.

             Các biên tập viên - phóng viên, phát thanh viên… là những cán bộ văn hóa từ chiến khu về, là cán bộ hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên nội thị Đà Lạt… nên hầu như chưa có nghiệp vụ báo chí nói chung và báo nói nói riêng. Ban Tuyên huấn khu ủy và Thông tấn xã Việt Nam khu 6 đã mở một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc và sau đó, họ vừa làm vừa học, nâng dần trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ông Hồ Phú Diên, ngoài nhiệm vụ Giám đốc - Tổng biên tập Đài, còn kiêm nhiệm nhiều trọng trách khác nhưng đã giành nhiều công sức và trí tuệ vào công tác quản lí, lãnh đạo, sớm đưa hoạt động Đài vào nền nếp ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Thông qua công việc hằng ngày, ông trực tiếp hướng dẫn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên tập, phóng viên, phát thanh viên non trẻ.

             Về cơ sở vật  chất và kỹ thuật, Đài phát thanh Đà Lạt trước đây nằm trong hệ thống phát thanh của chính quyền Sài Gòn, địa diểm chật hẹp, trang thiết bị cụ kỹ, lạc hậu. Nhà làm việc và phòng bá âm rộng 150m2. Đài phát sóng rộng 20m2, có một máy phát sóng ngắn 5KW, một máy phát sóng trung 1KW, một cột ăngten (dây néo) cao 42m. Các thiết bị kỹ thuật thường xuyên bị hỏng, hóc, ảnh hưởng đến chất lượng và độ phát sóng an toàn. Máy phát thường bị lệch cộng hưởng. Các dây cuaroa của máy ghi âm bị nhão, dãn gây méo tiếng … nhưng với tinh thần hăng say cách mạng, cần cù chịu khó, các cán bộ nhân viên kỹ thuật đã cố gắng bảo trì, sửa chữa để giữ vững sự liên tục của làn sóng phát thanh. Những năm sau, Đài được Đài tiếng nói Việt Nam (bộ phận thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh) trang bị thêm một số thiết bị: máy phát sóng trung GZ - 1A - 1KW, máy phát sóng ngắn XF/D7 và một số máy ghi âm Ampex … nhờ đó, chất lượng sóng được nâng cao, mở rộng thêm diện phủ sóng. Năm 1984 Đài phát xạ chuyển lên đồi Mimoza với máy phát sóng trung 10KW, sóng ngắn 1KW, cột ăngten cao 100m, sóng của Đài đã phủ rộng khắp tất cả các huyện trong tỉnh. Tháng 9 năm 1977 xây dựng trạm tiếp sóng truyền hình tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế thuộc phường 7 Đà Lạt, tiếp sóng kênh 9 Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh ; máy phát hình 100W, phát trên kênh 11. tháng 7 năm 1980 chuyển trạm phát hình về Cầu Đất. Cán bộ, công nhân kỹ thuật của Đài đã sửa chữa, chuyển đổi máy gates 5KW sóng ngắn sang máy sóng trung 10KW tạo điều kiện nâng cao thêm chất lượng sóng.

              Cùng với sự hình thành và phát triển của Đài phát thanh tỉnh, hệ thống Đài truyền thanh huyện thị và trạm truyền thanh cơ sở ở xã phường, hợp tác xã nông nghiệp, công trường, nông trường, xí nghiệp … cũng được các cấp chính quyền quan tâm xây dựng. Đến năm 1980, toàn tỉnh đã có 7 Đài truyền thnh huyện thị và 27 trạm truyền thanh cơ sở. Các Đài huyện thị và cơ sở, ngoài chương trình thời sự địa phương, 15 - 30 phút hàng ngày, nhiệm vụ chính là tiếp sóng chương trình Đài TNVN và Đài phát thanh tỉnh. Hệ thống Phát thanh -Truyền thanh đã có tác dụng rất lớn trong công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng, nhà nước trên phạm vi toàn tỉnh.

             Cuối năm 1976, tỉnh Thuận Lâm giải thể, thành lập hai tỉnh Lâm Đồng (Gồm các tỉnh cũ: Tuyên Đức, Lâm Đồng, Đà Lạt) và Thuận Hải (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy), sau đó Thuận Hải tách thành hai tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận (Gồm cả Bình Tuy cũ). Đài phát thanh giải phóng Đà Lạt chuyển thành Đài tiếng nói nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Tháng 7 năm 1978 đổi tên hiệu: Đài phát thanh Lâm Đồng. Cơ cấu tổ chức của Đài định hình trong thời kỳ này, gồm:

- Ban giám đốc

- Phòng biên tập nội dung

- Phòng kỹ thuật phát thanh - Truyền hình - Truyền thanh

- Phòng Tổ chức- Hành chính 

- Xưởng truyền thanh.

               Tổng biên chế của Đài có 32 cán bộ, công nhân viên. Đầu năm 1977 ông Cù Đình Hòe được bổ nhiệm chức danh phó giám đốc Đài. Tháng 3 năm 1977 ông Cù Đình Hòe chuyển công tác về ban nghiên cứu lịch sử Đảng bộ Lâm Đồng. Ông Nguyễn Đăng Cương, thư ký tòa soạn báo Lâm Đồng được bổ nhiệm phó giám đốc Đài. Tháng 1 năm 1982, ông Hồ Phú Diên chuyển về làm giám đốc - Tổng biên tập Đài phát thanh Thuận Hải. Ông Nguyễn Đăng Cương được bổ nhiệm giám đốc - Tổng biên tập Đài. Ông Hoàng Văn Trung, phó giám đốc sở giáo dục được bổ nhiệm phó giám đốc Đài. 

III. Sự nghiệp phát thanh - Truyền hình thời kỳ đổi mới (1985 - 1995)

Đất nước ta nói chung và Tỉnh Lâm Đồng nói riêng bước vào công cuộc đổi mới toàn diện. Hội nghị TW8 khóa 5 (1985) đã tạo một bước đột phá quan trọng bằng chủ trương dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp… thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 (1986) và đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ 4 đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng đất nước, tạo ra bước đột phá có tính quyết định làm xoay chuyển tình hình cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Hoạt động phát thanh - truyền hình Lâm Đồng đã nắm bắt kịp thời và hòa mình vào sự chuyển hóa chung của đất nước, địa phương; bước đầu đã tạo được sự đổi thay khá lớn cả về nội dung, thiết bị, tổ chức và công tác quản lý sự nghiệp.

Sự thay đổi về chất vào thời kỳ này là đã đầu tư, lắp đặt thiết bị truyền hình, đào tạo bồi dưỡng biên tập viên, phóng viên, quay phim, kỹ thuật viên truyền hình. Hệ thống thiết bị sản xuất chương trình truyền hình ban đầu gồm : một máy phát sóng hiệu Thom son - 100w; máy quay phim nhựa 3 tuýt, camera Movie, JVC, hai camera sony 1820p - đây là hai máy chủ lực vừa phục vụ cho trường quay vừa phục vụ làm tin tức lưu động ngoài hiện trường. Thiết bị dàn dựng chương trình có một bộ dựng gồm 2 đầu máy, 1 bàn đựng hình, 1 bàn điều khiển, 3 monitor kiểm tra, sử dụng băng ghi hình umatic, 1 cột ăngten cao 60m. Đầu năm 1984, Đài đã cử 14 người do ông Võ Trần Phú phụ trách về đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo công tác biên tập, quay phim, dàn dựng,  phát sóng*…. Nhân ngày kỉ niệm 10 năm giải phóng Đà Lạt - Lâm Đồng (3/4/1985) tiến hành thực tập ghi hình tại chỗ buổi lễ kỉ niệm. Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đã cử một tổ công tác do ông Trương Nghĩa Tiến - phó trưởng phòng nội dung Đài TH TP.Hồ Chí Minh phụ trách lên hỗ trợ, hướng dẫn. Tuy mới ra quân lần đầu, nhưng với sự sáng dạ và tinh thần say mê với nghề nghiệp mới của các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên Truyền hình Lâm Đồng và sự tận tình giúp đỡ của tổ công tác Đài TH TP. Hồ Chí Minh, buổi tường thuật ghi hình đã thu được kết quả khá tốt. Ngày 7/11/1985 chính thức phát sóng chương trình truyền hình màu Lâm Đồng. Tên hiệu Đài phát thanh Lâm Đồng được chuyển đổi thành Đài Phát thanh truyền hình Lâm Đồng. Tổ chức bộ máy cũng có sự thay đổi theo nhiệm vụ mới. Phòng nội dung chương trình tách thành hai tổ công tác : tổ nội dung phát thanh - ông Nguyễn Văn Lực phụ trách và tổ nội dung truyền hình - ông Nguyễn Quang Thành phụ trách. Phòng kỹ thuật cũng được tách ra thành hai bộ phận : Kỹ thuật phát thanh và kỹ thuật truyền hình. Bộ phận kỹ thuật truyền hình - ông Võ Văn Đức phụ trách phân thành ba tổ : tổ kỹ thuật dàn dựng - bà Lê Thị Hương phụ trách, tổ sản xuất chương trình bà Nguyễn Thị Thục phụ trách, nơi làm việc của 2 tổ này đặt tại phim trường thuộc trụ sở Đài: 38 đường Hồ Tùng Mậu, Đà Lạt; tổ kỹ thuật phát sóng ông Lê Hùng phụ trách địa điểm tại biệt thự số 2 đường Lý Tự  Trọng, Đà Lạt. Đến thời  điểm này, Đài PTTH Lâm Đồng là đài thứ hai, sau đài TH TP. Hồ Chí Minh, trong khu vực phía Nam, có hệ thống thiết bị truyền hình màu. Chương trình truyền hình thời gian đầu phát sóng vào các tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần với thời lượng 30 phút. Thời gian còn lại tiếp phát Đài TH TP. Hồ Chí Minh. Năm 1994 Đài tiếp nhận thêm một má phát truyền hình màu 1000w của chương trình viện trợ ODA Pháp với các thiết bị đồng bộ kèm theo. Đài đã tự đầu tư các thiết bị làm tin và thiết bị hậu kỳ theo công nghệ cải tiến : hệ thống thiết bị super VHS (S.VHS); các loại thiết bị camera S - VHS như M9000, M9500, AG455, AG - DP200; thiết bị dựng AG - 8700, MX - 50; hệ thống vi tính khá hiện đại… sự đổi mới trang thiết bị đã giúp cho việc dàn dựng được nhanh chóng, chất lượng hình ảnh, âm thanh nâng lên khá rõ rệt. Hệ kĩ thuật phát thanh được đầu tư thêm một máy phát sóng FM 1,3kw stereo; duy tu nâng cấp máy phát sóng trung 1kw, sóng ngắn 5kw, các thiết bị chuyên dùng cho phóng viên phát thanh. Diện phủ sóng truyền hình đã mở rộng đến các huyện Bảo Lộc, Đơn Dương, Lâm Hà…. Đối với ba huyện phía Nam (Đạ Hoai, Đạ Tẻ, Cát Tiên) sóng truyền hình chưa đến được, thay thế bằng chuyển băng hình theo định kỳ tháng một lần và đột xuất khi có các sự kiện chính trị lớn của Tỉnh, tết Nguyên Đán…. Thời lượng phát sóng nội dung chương trình của Đài và tiếp âm, tiếp sóng Đài TNVN - Đài THVN từng bước gia tăng. Đến năm 1995, thời lượng chương trình phát thanh của Đài đã đạt 4 giờ 30/ngày; chương trình truyền hình 3 giờ 30/ngày. Tiếp phát đài TW : phát thanh 13 giờ/ngày, truyền hình 19 giờ/ngày - VTV1 - 15 giờ 30/ngày - VTV3. Những ngày lễ, tết, các hoạt động văn hóa - thể thao lớn, giờ tiếp sóng truyền hình mở rộng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu bạn xem Đài.

Chương trình phát thanh - truyền hình từng bước được đổi mới về mặt cấu tạo, khắc phục tình trạng rãi mành mành, không xác định chủ đề tư tưởng, chủ điểm trọng tâm từng thời gian theo yêu cầu tuyên truyền giáo dục tư tưởng chính trị của cấp ủy Đảng. Trong từng chương trình đều có các chuyên mục phục vụ cho từng đối tượng bạn nghe - xem Đài. Chương trình phát thanh có các chuyên mục ổn định : Thời sự tổng hợp, nông thôn nông nghiệp, Thông non, văn hóa du lịch thể thao, văn nghệ tổng hợp, xây dựng Đảng, Hộp thư bạn nghe Đài, câu chuyện truyền thanh (bao gồm các câu chuyện cảnh giác, an toàn giao thông…)*. Các chuyên mục trong chương trình truyền hình ; Thời sự tổng hợp, An ninh Lâm Đồng, Quốc phòng toàn dân, xây dựng Đảng, sức khỏe cho mọi người, Hoa thắm cao nguyên, an toàn giao thông, công đoàn, thanh niên, nông thôn, rừng và môi trường sống, chính sách pháp luật, khoa học và môi trường, sản xuất và tiêu dùng, bàn chuyện doanh nghiệp, truyền hình nhân đạo, văn hóa thể thao du lịch, câu lạc bộ văn nghệ, hộp thư truyền hình, phim truyện, kinh tế hợp tác*. Chương trình phát thanh tiếng  dân  tộc  Kơ  Ho được  hình  thành  từ  năm 1980. Việc đưa tiếng dân tộc địa phương lên sóng phát thanh (năm 2000 thêm chương trình truyền hình), Đài PTTH Lâm Đồng là đơn vị đài địa phương tiến hành sớm nhất trong khu vực phía Nam. Thời lượng chương trình phát thanh tiếng Kơ Ho là 3 buổi (mỗi buổi 30’)/tuần. Nội dung các tin - bài trong các chương trình phát thanh truyền hình từng bước được đổi mới theo sát nhiều vấn đề thời sự nóng hổi, những sự kiện chính trị - xã hội - an ninh quốc phòng của cả nước và địa phương. Tính tư tưởng, tính giáo dục, tính chỉ đạo trong từng tin - bài về cơ bản đã đảm bảo đúng hướng. Nhất là trên lĩnh vực chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, phá rừng, nhà đất và các tệ nạn xã hội khác. Các biên tập viên - phóng viên đã bám sát phương châm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” của Đại hội VI và đại hội IV của tỉnh đề ra để đi  sâu điều tra, phát hiện và đã có những phóng sự có chất lượng tốt như vụ tham ô ở ban bảo hiểm xã hội thuộc liên hiệp công đoàn tỉnh, những vụ việc tiêu cực trong lãnh vực nhà - đất ở Đà Lạt, khách sạn Gol v.v… được dư luận xã hội nói chung đồng tình ủng hộ. Một số phóng sự đã đạt giải cao trong các liên hoan truyền hình toàn quốc như : “Tai họa được báo trước” của các tác giả Văn Tòa - Bùi Phương, “Kiến trúc Đà Lạt” của Đinh Thành - Đình Hồng (Huy chương bạc), “Phiên tòa không bị cáo” của Văn Tòa - Bùi Phương (Huy chương vàng)…

Trong thời gian này, công tác chỉ đạo, quản lý đã xuất hiện một số khuynh hướng lệch lạc gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng đồng bộ của hoạt động Đài. Đó là quan niệm, nhận thức không đúng đắn về tính chất vai trò, tác dụng của sự nghiệp phát thanh trong xu thế hiện đại hóa. Vì thế từ khâu đầu tư trang thiết bị, kinh phí hoạt động, chỉ đạo nội dung chương trình đều thiên về truyền hình; coi nhẹ buông lỏng phát thanh. Chất lượng hoạt động phát thanh, nhất là những năm 1990 - 1993 suy giảm, không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của quần chúng nhân dân trong Tỉnh. Công tác phát thanh tiếng Kơ Ho cũng gặp khó khăn tương tự như trên. Phát thanh tiếng Kơ Ho từ những năm đầu 80 có một tổ biên tập - phóng viên - phát thanh viên 4 người; thời lượng phát sóng 3 buổi (mỗi buổi 30 phút)/tuần đến 4 năm đầu 90 chỉ còn một biên tập viên kiêm phóng viên, phát thanh viên và thời lượng phát sóng còn 1 buổi (15 phút)/ tuần. Tình trạng lệch lạc trên đã được kịp thời khắc phục, sửa chữa. Từ năm 1993 hoạt động phát thanh tiếng Kơ Ho đã phát triển tốt.

Tháng … năm 1990 do chưa nhất trí về cách làm việc của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, ông Nguyễn Đăng Cương từ nhiệm chức vụ giám đốc - Tổng biên tập Đài và chuyển công tác về thành phố Hồ Chí Minh*. Ông Hoàng Văn Trung thay quyền giám đốc. Thời điểm này, trong nội bộ Đài phát sinh hiện tượng tiêu cực gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đài. Ủy ban nhân dân tỉnh điều động ông Hoàng Văn Trung sang công tác khác.

 Tháng 10 năm 1993 ông Diệp Đình Huyên - Phó trưởng ban trực ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được bổ nhiệm làm giám đốc - Tổng biên tập Đài*. Năm 1994 bộ máy tổ chức của Đài được cơ cấu tổ chức lại nhằm tăng cường sự chỉ đạo tập thể; đồng thời phân cấp phân nhiệm trách nhiệm cá nhân rõ ràng, cụ thể Đài gồm : cơ cấu tổ chức

- Ban giám đốc (Giám đốc - Tổng biên tập; 2 phó giám đốc phụ rách nội dung và kĩ thuật).

- Ban biên tập: ủy viên thường trực bà Nguyễn Ý Thu

- Phòng nội dung phát thanh - Trưởng phòng ông Võ Quang Hải

- Phòng nội dung truyền hình - Trưởng phòng ông Nguyễn Thanh Nhân - Phó trưởng phòng ông Nguyễn Quang Thành.

- Phòng văn nghệ phát thanh truyền hình

Trưởng phòng ông Dương Mạnh Đạt - Phó trưởng phòng ông Dương Toàn Thiên

- Phòng kỹ thuật phát thanh – trưởng phòng ông Nguyễn Trung Kiên. Phó trưởng phòng – Ông Trần Văn Thọ.

- Phòng kỹ thuật truyền hình

Trưởng phòng ông Võ Văn Đức - Phó trưởng phòng ông Nguyễn Hương

- Phòng quản lý truyền thanh - truyền hình địa phương. Trưởng phòng ông Nguyễn Văn Lực

- Phòng Tổ chức hành chính tổng hợp - Trưởng phòng ông Lê Văn Sáng

- Tổ dịch vụ phát thanh - truyền hình - Tổ trưởng ông Đặng Phước Ngọc

- Hội đồng khoa kỹ thuật. Thường trực ông Võ Văn Đức*

Cuối năm 1994, Ban thường vụ tỉnh ủy quyết định thành lập Ban cán sự Đảng của Đài, gồm ông Diệp Đình Huyên - Bí thư; bà Nguyễn Ý Thu và ông Nguyễn Thanh Nhân - ủy viên.

Đến năm 1995, hầu hết các cán bộ biên tập, phóng viên, kỹ thuật viên của Đài đều đạt trình độ Đại học. Một số các ông bà trưởng phó phòng đã có trình độ lý luận chính trị cao cấp. Đây là nền tảng tạo sự phát triển vững chắc của Đài.

        Các đài thành phố, huyện thị cũng có những chuyển biến khá lớn. 11/11 đài cấp huyện đã trang bị thiết bị truyền hình. Đài truyền thanh - truyền hình huyện thị tách khỏi phòng văn hóa - thông tin, thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện thị. Năm 1990 xây dựng thêm hai trạm thu phát truyền hình ở khu vực Đam Rông (huyện Lạc Dương) và Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm). Các đài huyện có bản tin thời sự tổng hợp hàng ngày với thời lượng 15 phút - 30 phút. Tin - bài phản ánh kịp thời mọi hoạt động trên các lĩnh vực ở địa phương; nhanh chóng phổ cập rộng rãi các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước TW, tỉnh, huyện thị; nêu gương người tốt - việc tốt ở địa phương. Ngoài chương trình địa phương, các  đài  huyện  có  nhiệm  vụ  tiếp  sóng  các chương trình của Đài TNVN - Đài THVN và đài tỉnh. Hầu hết các đài đều chấp hành nghiêm chỉnh việc tiếp sóng chương trình thời sự của đài TW, tỉnh. Cũng do nhận thức lệch lạc như  Đài tỉnh, một thời gian khá dài các đài huyện thị chỉ tập trung đầu tư, chăm lo cho hệ truyền thanh. Máy móc thiết bị truyền thanh cũ kỹ không được sửa chữa, bổ sung. 5 huyện Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Tẻ, Cát Tiên có máy phát sóng FM, nhưng hoạt động chất lượng yếu. Có một số huyện, hệ phát thanh ngừng hoạt động vì máy móc hư hỏng. Hệ thống truyền thanh cơ sở hầu như bị tê liệt, xóa trắng. Sự suy giảm của đài truyền thanh cơ sở một phần do nhận thức lệch lạc của các cấp quản lý, lãnh đạo tỉnh, huyện; đồng thời còn do chế độ chính sách đối với cán bộ phụ trách truyền thanh cơ chưa hợp lý. Cuối năm 1993 chính phủ có nghị định số 52/CP và 53/CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Đài truyền hình VN - Đài Tiếng nói VN. Các nghị định trên và các quyết định, thông tư hướng dẫn thực hiện đã quy định thống nhất quản lý hệ thống phát thanh truyền hình trong cả nước. Đối với Đài phát thanh truyền hình tỉnh, các văn kiện trên quy định Đài có hai nhiệm vụ chủ yếu :

- Quản lý trực tiếp mọi hoạt động của đài tỉnh - Quản lý sự nghiệp truyền thanh - truyền hình trên địa bàn toàn Tỉnh. Đài tỉnh có nhiệm vụ quản lý ngành dọc hệ thống các đài huyện thị về tổ chức nhân sự, kế hoạch, kinh phí, vật tư, nghiệp vụ, đào tạo. Đài huyện là đơn vị sự nghiệp cấp huyện có nhiệm vụ quản lý sự nghiệp truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện thị.

Thực hiện chủ trương trên của nhà nước, Đài tỉnh đã lập kế hoạch quản lý ngành phát thanh truyền hình toàn tỉnh (1994 - 2000) trình UBND tỉnh phê duyệt. Do tính chất phức tạp của công tác này, được sự đồng ý của UBND tỉnh, những năm trước mắt Đài tỉnh tập trung các khâu : quản lý về nghiệp vụ, đào tạo bồi dưỡng và quản lý kĩ thuật, giúp đài huyện sửa chữa, nâng cấp các thiết bị hiện có, lập kế hoạch đầu tư thiết bị mới. Với sự tác động bước đầu về công tác quản lý của Đài tỉnh, hoạt động truyền thanh - truyền hình các huyện thị đã khắc phục được các thiếu sót, từng bước nâng cao chất lượng chức năng truyền thông cộng đồng của đài cấp huyện; bổ sung một cách có hiệu quả cho các đài quốc gia, đài tỉnh. Thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc, huyện Đạ Tẻ… đã triển khai xây dựng một số trạm truyền thanh cơ sở ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người. Đài huyện thị đã phối hợp chặt chẽ với Đài tỉnh thực hiện “Chương trình quốc gia đưa đài phát thanh - truyền hình về vùng núi, vùng cao, biên giới hải đảo” do Đài TNVN và Đài THVN chủ trì. 4678 máy thu thanh và 684 máy thu hình đã được chuyển đến tận tay từng hộ gia đình theo tiêu chuẩn quy định. Xây dựng 1 trạm tiếp phát lại truyền hình ở xã Lộc Bắc (Bảo Lâm), 1 điểm xem truyền hình và trạm FM tại xã Đạ Mri (Bảo Lộc).

Những cố gắng của hệ thống phát thanh - truyền hình từ tỉnh đến cơ sở đã đem lại hiệu quả tốt : diện phủ sóng phát thanh - truyền hình mở rộng, 70% dân cư toàn tỉnh đã nghe được phát thanh và 60% dân cư được xem truyền hình. Hoạt động phát thanh - truyền hình địa phương Lâm Đồng đang bước đầu trở thành hệ thống công cụ ngôn luận có hiệu lực của Đảng, chính quyền; đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa, giải trí của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. 

IV/  PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH LÂM ĐỒNG PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI – PHÁT TRIỂN  (1996-2006)

Từ khi có nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, với công cuộc đổi mới toàn diện cả về chính trị , kinh tế - văn hoá - xã hội , đã tạo luồng sinh khí cho báo chí Việt Nam nói chung và hệ thống báo nói – báo hình nói riêng.

Sau 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, địa phương Lâm Đồng - Đà Lạt cũng có bước khởi sắc khá toàn diện. Trong bối cảnh đó, Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng đã hoà vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh mọi hoạt động, trở thành một kênh thông tin quan trọng của địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cán bộ-nhân dân về thông tin-giáo dục và giải trí.

Năm 1996, cùng với cả nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn: Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII. Sau Đại hội, đất nước và địa phương bước vào thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hoá. Năm 1996 cũng là năm mở đầu của kế hoạch 5 năm cuối thế kỷ XX…

Trước những sự kiện lịch sử ấy, những người làm công tác PT-TH Lâm Đồng đã nêu cao ý thức trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, đồng thời triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội VIII, và nghị quyết Đại hội Đảng  bộ tỉnh lần VI, Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng đã tập trung mở rộng diện phủ sóng PT-TH trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng truyền dẫn, phát sóng  quản lý và khai thác tốt thiết bị sản xuất các chương trình.

Mục tiêu quan trọng trong thời kỳ này là “Cải tiến nội dung , nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình PT-TH”. Kịp thời nắm bắt và giới thiệu những nhân tố mới, tổ chức để quần chúng tham gia vào các chương trình PT-TH, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, hời hợt, thiết thực phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhu cầu được thông tin của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tin tức thời sự được sử dụng  từ nhiều nguồn, nhưng không tách rời định hướng, giúp và hướng dẫn người nghe, người xem nhận thức rõ bản chất sự kiện và quá trình diễn biến của từng sự kiện, góp phần tạo ra bầu không khí dân chủ trong đời sống xã hội .

Năm 1996, cũng là năm đổi mới các thiết bị kỹ thuật của Đài với các công trình : hiện đại hoá phim trường truyền hình, hiện đại hoá, thiết bị bá âm của phát thanh, tăng cường các thiết bị quay phim và dàn dựng chương trình truyền hình, đảm bảo công suất các thiết bị phát sóng … phát sóng song song trên các kênh 6,8, với thời lượng tiếp phát 17h.ngày. Thông qua chương trình viện trợ ODA, Đài đã dựng cột anten tự đứng cao 100m, tại khu vực số 10 Trần Hưng Đạo – Đà Lạt . Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã phê duyệt dự án trang bị máy phát sóng truyền hình kênh 6/ 5000w. Trụ sở Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng – 1 trung tâm PT-TH mới của tỉnh đang dần hình thành.

Tháng 10/1996, Ông Diệp Đình Huyên về hưu , Ông Lương Văn Sinh (Phó Tổng biên tập Báo Lâm Đồng) được bổ nhiệm làm Giám đốc-Tổng biên tập Đài . Tháng 11/1996, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bổ nhiệm Ông Nguyễn Thanh Nhân, Trưởng phòng nội dung truyền hình, làm phó Giám đốc- phó tổng biên tập.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đài tỉnh là đưa thông tin đến với người nghe, xem đến với hộ gia đình thông qua việc thực hiện quy hoạch phủ sóng PT-TH và phát triển mạng lưới truyền thanh - truyền hình huyện , cơ sở . Năm 1996, Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng đã thực hiện một bước việc quản lý kỹ thuật theo ngành, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao . Một số Đài Huyện vẫn tự quyết định nâng công suất máy phát hình, đối với công nghệ sản xuất chương trình mà không có ý kiến hướng dẫn , tư vấn của Đài tỉnh. Quy chế hoạt động PT-TH trên địa bàn đã có dự thảo, song chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, Đài tỉnh cũng đã tổ chức phát thử nghiệm chương trình truyền hình địa phương của Đài Thành phố Đà Lạt trên sóng Đài tỉnh. Tạo lập 1 bước để hình thành trang địa phương PT-TH toàn tỉnh.

Trong điều kiện trang thiết bị được đầu tư tốt hơn, nhất là phương tiện truyền dẫn phát sóng, đầu năm 1997 Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng đã tăng thêm thời lượng chương trình truyền hình lên 4 h/ngày (phát lại 3h buổi sáng), trong đó, sản xuất 15’ bản tin thời sự hàng đêm, 30’ chuyên đề – chuyên mục, 15’ chương  trình thông non (bông  hoa nhỏ) 30’, câu lạc bộ văn nghệ tổng hợp (1 tuần/kỳ) và khai thác 120’ chương trình phim, giải trí. Duy trì thường xuyên định kỳ các chuyên mục: Sức khoẻ cho mọi người ; Nông thôn – nông nghiệp;  An ninh – quốc phòng ; Rừng và môi trường sống; Khoa học và đời sống; Tuổi trẻ…

Chương trình phát thanh phát trên sóng FM (1,3KW) và AM (10KW), gồm các chương trình : Thời sự tổng hợp 30’ hàng ngày (phát lại 5h30 sáng hôm sau). Nông thôn – nông nghiệp 30’ hàng ngày ( 6h30 – 7h00). Thời sự buổi trưa 15’, chương trình phát thanh tiếng Kơho 30’. Duy trì tổ chức các  chuyên mục : Sức khoẻ cho mọi người ; Thông non ; An ninh – quốc phòng ; Xây dựng Đảng ;

Câu lạc bộ trẻ; Rừng là môi trường sống; Ca nhạc 15’ và Văn nghệ tổng hợp 30’ ( 2 kỳ/tuần).

Nhìn chung, năm 1997, các  chương trình PT-TH đã có bước chuyển biến khởi sắc về mặt chất lượng, tin tức ngắn gọn, súc tích, sát cơ sở. Bộ phận  chuyên  đề,  thời  sự PT-TH đã hình thành trang chuyên đề “ hàng tháng, đáp ứng phục vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách trọng tâm của TW và địa phương. Từng bước thu hút sự chú ý theo dõi của Bạn nghe- xem Đài. Một số chuyên đề có dư luận tốt lúc bấy giờ như “Bàn về một số biện pháp xoá đói giảm nghèo” (8/1999) , “Cải cách hành chính – còn lắm gian truân” (9/1997)….

Ngoài việc phủ sóng PT-TH 8/11 Huyện , thị , thành , Đài còn in sang băng chương trình gửi 3 huyện phía nam : ĐạHuoai , Đạ Tẻh , Cát Tiên để phát, vì chưa tiếp phát được sóng Đài tỉnh .

Năm 1997, đã duy trì và khôi phục được 20 trạm truyền thanh cơ sở, xã, phường. Tháng 11-12/1997 xây dựng mới 31 trạm TTCS .

Trong thời gian này, các Đài Huyện , thị , thành đã bắt đầu hoạt động độc lập (tách khỏi phòng Văn hoá thông tin), đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy - Ủy ban nhân dân Huyện, thị, thành phố và Đài tỉnh quản lý 1 phần về kỹ thuật và hướng dẫn nội dung tuyên truyền định kỳ. Thực hiện ý kiến  chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Đài đã từng bước hoàn chỉnh đề án  chuẩn bị quản lý ngành trong những năm 1998 – 2000.

Giai đoạn 1998 – 2000, cũng là thời gian Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, Biên tập viên, phát thanh viên và kỹ thuật  viên. Nhiều lượt CB-PV-BTV được  tham gia đào tạo tại chức Đại học báo chí, đại học luật, cử nhân chính trị và khoa học XH-NV. Thường xuyên cử phóng viên, phát thanh viên, nhân viên kỹ thuật tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành tại trung tâm đào tạo PT-TH ( Đài THVN) và các  lớp đạo diễn PT-TH tại TP. HCM. Đây cũng là khâu chuẩn bị quan trọng, để Đài Phát thanh – Truyền hình chuẩn bị cho việc tăng thời lượng và chất lượng các chương trình PT-TH địa phương.

Chi bộ Đài từ yếu trong những năm trước, vươn lên đạt khá (1996) và trong sạch vững mạnh (1997-1998-2000), phát triển Đảng viên mới liên tục trong từng năm. Nâng tổng số từ 12 lên 15 đảng viên .

Ngày 31/11/1998, Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng chính thức khởi công xây dựng công trình trung tâm PT-TH tại số 10 Trần Hưng Đạo – Đà Lạt.

Tiếp tục phát huy kết quả của những năm trước đó, chất lượng các chương trình PT-TH tiếp tục có bước phát triển mới. Phục vụ tuyên truyền đắc lực cho các sự kiện lớn như: 60 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/1999), 24 năm ngày Giải phóng Lâm Đồng - Đà Lạt và giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất tổ quốc (30/4), 45 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5), 109 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ; 50 năm này Thành lập Quân đội nhân dân …. Đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài báo “dân vận” (15/10/1949-15/10/1999), Đài đã tập trung tuyên truyền đậm nét các  hoạt động , tọa đàm, hội thảo của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Trường chính trị Lâm Đồng .

Bám sát nghị quyết TW5 về phát huy nền văn hoá – đậm đà bản sắc dân tộc, Đài đã xây dựng các chương trình thu hút người Nghe-xem Đài: ”Cầu truyền thanh đêm giao thừa 3 tỉnh : Lâm Đồng – Đồng Tháp – Đồng Nai và chương trình PT-TH trực tiếp 90’ “Nhịp cầu mùa xuân”, tạo ấn tượng đối với khán thính giả. Đồng thời xây dựng thêm các chuyên mục mới “Đảng và cuộc sống (2 kỳ/tháng); “Bàn chuyện doanh nghiệp” (1 kỳ/ tháng). Mục “ Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng “ vào các tối thứ 2,4,6 hàng tuần. Đẩy mạnh việc phát hiện điển hình mới, nhân tố mới, phục vụ phong trào thi đua lao động, sản xuất , học tập tiến tới đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua năm 2000, thông qua mục “ Hoa thắm cao nguyên” (1 kỳ/tuần). Chuyên mục người cao tuổi (1 kỳ/tháng), chuyên mục “Truyền hình nhân đạo” (1 kỳ/tháng). Đến thời điểm 1999-2000, ngoài bản tin thời sự 15’/ngày), Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng đã duy trì 25 chuyên mục và trang chuyên đề phục vụ hầu hết các ngành, các  lĩnh vực ở địa phương .

Nét nổi bật trong công tác chuyên môn là đã duy trì hình thức phát thanh trực tiếp hàng ngày từ 16h- 17h, có giao lưu thính giả trong các  tạp chí kinh tế, du lịch, thể thao , tìm hiểu pháp luật, hôn nhân-gia đình, tạp chí phụ nữ ; bác sỹ của bạn. Và từ 17h-18h thời sự âm nhạc trực tiếp. Tối thứ bảy hàng tuần bình chọn topten âm nhạc theo chủ đề đã thu hút nhiều bạn nghe Đài nhất là giới trẻ . Với phương pháp phát thanh trực tiếp, hàng ngày Đài tiếp nhận không dưới 30 cuộc điện thoại và thư gửi tham gia chương trình. Phong cách làm việc của phóng viên, Biên tập viên, đạo diễn, phát thanh viên, kỹ thuật viên đã được thay đổi, nhanh nhạy, linh hoạt hơn. Ngoài ra , vẫn duy trì thường xuyên chương trình nông thôn – nông nghiệp 30’, thời sự buổi sáng 30’, câu chuyện truyền thanh 30’/tuần, chương trình thông non (dành cho thiếu nhi) trực tiếp 60’ (1 kỳ/tháng ) . Ca nhạc theo yêu cầu trực tiếp trưa thứ bảy hàng tuần 30’ ( tối chủ nhật hàng tuần ). Văn nghệ phát thanh tổng hợp ( 1 tuần/1 kỳ)…

Tính đến tháng 5/1999, Đài đã tổ chức 3 kỳ Liên hoan tiếng hát truyền hình Lâm Đồng , thu hút hàng ngàn lượt thí sinh tham gia . Lần thứ III/1999, nét đặc trưng là vòng sơ khảo được  tổ chức từ cấp huyện và từng cụm huyện . Hơn 400 thí sinh dự thi ( tăng gấp 2 lần so với cuộc thi lần II). Trên cơ sở Liên hoan Tiếng hát truyền hình , nhiều  thí sinh đã đoạt giải cao tại Liên hoan THTH TP Hồ Chí Minh và giải Sao Mai THTH của Đài Truyền hình Việt Nam, và trở thành những ca sỹ chuyên nghiệp trong giới ngôi sao ca nhạc cả nước.

Giai đoạn này, Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng cũng đã xây dựng xong đề án quản lý ngành PT-TH Lâm Đồng . Hoàn chỉnh dự án phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở 1999-2000. 11 Đài Huyện , thị , thành và các trạm phát lại truyền hình trong toàn tỉnh tiếp tục có bước phát triển mới về công tác tuyên truyền cũng như trang thiết bị . Các Đài đã có quy chế làm việc chặt chẽ. Thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý kỹ thuật do Đài tỉnh ban nhành.

Sau nhiều năm chuẩn bị từ 1998-2007, tháng 8/2002 , được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho phép Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng quản lý toàn diện các Đài Truyền thanh – Truyền hình Huyện, thị xã, tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc - Ban Biên tập Đài tỉnh , Đài Truyền thanh – Truyền hình các Huyện , thị , thành đã chủ động trong việc sản xuất các chương trình truyền thanh – trên hệ thống FM, đồng thời duy trì trang phát thanh địa phương thứ 5 tuần thứ 2 hàng tháng (thời lượng 20’) và trên sóng truyền hình vào tối thứ 5 hàng tuần, thời lượng 15’, và ngày 01/08/2002, cũng là điểm đáng ghi nhớ, chương trình phát thanh tiếng Chu ru (bên cạnh chương trình tiếng KơHo đã phát sóng liên tục từ năm 1980) chính thức được phát sóng ; góp phần đắc lực trong công tác tuyên truyền  cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Giai đoạn phát triển vững chắc 2001-2003, điểm nhấn quan trọng là việc triển khai tích cực phương án phủ sóng PT-TH xuống 3 huyện phía Nam của Tỉnh (ĐạHuoai -Đạ Tẻh -Cát Tiên ) thời điểm này đã hoàn thành gói thầu truyền hình (gồm máy phát sóng truyền hình 10 KW tại Đạ Tẻh và 3 KW, 100W kỹ thuật số mặt đất tại huyện Bảo Lâm). Hoàn chỉnh thủ tục đấu thầu nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho studio chính 225 m2 tại trung tâm Đài tỉnh. Cũng trong giai đoạn này, Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng đã phối hợp đẩy nhanh tiến độ thi công , lắp đặt trạm phát sóng truyền hình quốc gia tại Cầu Đất – Xuân Trường - Thành phố Đà Lạt.

Công ty TNHH Đo đạc & Kim Khí Nghệ An
Thi công mái xếp mái che di động
Showroom vật liệu xây dựng Thái Huỳnh
Công ty CP Xây dựng Mỹ thuật & Thương mại Thắng Lợi Lộc
Công ty Bất động sản Tân Long Nghệ An
Công ty CP Hosung
Họ Vương Việt Nam
Cửa hàng Thực phẩm sạch Nghệ An
Doanh nghiệp cùng Địa phương
Công ty TNHH Đo đạc & Kim Khí Nghệ An
Thi công mái xếp mái che di động
Showroom vật liệu xây dựng Thái Huỳnh
Công ty CP Xây dựng Mỹ thuật & Thương mại Thắng Lợi Lộc
Công ty Bất động sản Tân Long Nghệ An
Công ty CP Hosung
Họ Vương Việt Nam
Cửa hàng Thực phẩm sạch Nghệ An
TÌM KIẾM DOANH NGHIỆP
 
 
 
 
Nghệ An
Hà Tĩnh
Thanh Hóa
Quảng Bình
Hà Nội
Hồ Chí Minh
Đà Nẵng
Vĩnh Phúc
An Giang
BR. Vũng Tàu
Bắc Cạn
Bắc Giang
Bạc Liêu
Bắc Ninh
Bến Tre
Bình Định
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Cà Mau
Cao Bằng
Đăk Lăk
Điện Biên
Đồng Nai
Đồng Tháp
Gia Lai
Hà Giang
Hà Nam
Yên Bái
Ninh Thuận
Hải Dương
Hải Phòng
Hậu Giang
Hòa Bình
Hưng Yên
Khánh Hòa
Kiên Giang
Kon Tum
Lai Châu
Lâm Đồng
Lạng Sơn
Lào Cai
Long An
Nam Định
Ninh Bình
Phú Thọ
Phú Yên
Quảng Nam
Quảng Ngãi
Quảng Ninh
Quảng Trị
Sóc Trăng
Sơn La
Tây Ninh
Thái Bình
Thái Nguyên
Thừa Thiên Huế
Tiền Giang
Cần Thơ
Đăk Nông
Trà Vinh
Tuyên Quang
Vĩnh Long
Toàn quốc