I. Thời chống Mĩ gian khó mà oanh liệt
Được thành lập vào năm 1965, đúng năm mà đế quốc Mĩ tăng cường leo thang bắn phá miền Bắc, trường trung học phổ thông (THPT) Lục Nam ngày ấy được gọi với cái tên đầu tiên là trường cấp 2-3 Bảo Đài. Cái tên dù chỉ được gọi trong một thời gian ngắn ngủi nhưng đã trở thành dấu mốc không thể quên trong lịch sử nhà trường. Trong những ngày đầu mới thành lập đúng như lời cổ nhân nói “vạn sự khởi đầu nan” thầy và trò nhà trường đã gặp phải vô vàn khó khăn; chiến tranh tàn khốc, cơ sở cật chất thiếu thốn, đội ngũ giáo viên gần như chưa có, học sinh theo học rất ít- năm học đầu tiên chỉ có 2 lớp 8 với 108 học sinh.
Mặc dù khó khăn nhưng với ý chí quyết tâm không gì có thể ngăn cản, thầy và trò nhà trường đã làm được những điều kì diệu. Chưa có trường thì cùng nhau xây trường, chưa có lớp thì cùng nhau dựng lớp, giặc Mĩ ném bom mặt đất thì mở trường trong lòng đất, chưa có thầy thì cùng nhau mời thầy học trò ít thì tuyên truyền vận động… Sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của thầy trò nhà trường đã đem lại kết quả: hàng chục phòng học đã được dựng lên từ tranh tre nứa lá quyên góp, những lớp học nửa nổi, nửa chìm với những giao thông hào dài hàng cây số dẫn ra các cửa hầm chữ A. Để đảm bảo cho các hoạt động của nhà trường nhiều phòng học trong lòng đất đã được tạo ra thậm chí theo lời của thầy hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường, thầy Nguyễn Văn Bảo nói rằng có những căn hầm rộng tới mức có thể sử dụng vào các hoạt động tập thể lớn như hội họp, biểu diễn văn nghệ bình thường dù cho bên ngoài đang có chiến tranh bắn phá. Khát vọng tri thức của con người thật mãnh liệt, trong làn mưa bom bão đạn, trong bụng chỉ có khoai sắn rau rừng vẫn có vô số học sinh đội mũ rơm đi bộ hàng chục Km đến trường học đều đặn. Dù cho bom đạn của kẻ thù từng làm đổ máu, gây thương tích và cướp đi sinh mạng của nhiều học sinh nhà trường trong khi họ đang học bài trên lớp, đang lao động xây dựng trường…
Nhưng tất cả chỉ càng làm cho khát vọng tri thức mãnh liệt hơn, tinh thần đoàn kết để vượt khó càng lớn hơn và cao hơn nữa là lòng yêu nước căm thù giặc càng nung nấu sôi sục hơn. Trong ngút ngàn gian khó nhà trường vẫn luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, công tác bồi dưỡng tư tưởng đạo đức luôn được coi trọng và đạt hiệu quả cao. Những năm chiến tranh đã có gần 1000 học sinh của nhà trường tạm xếp bút nghiên đi theo tiếng gọi của tổ quốc, trong số họ hàng trăm con người đã trưởng thành, lập được nhiều chiến công được thưởng nhiểu huân, huy chương các loại. Có khoảng hơn 50 học sinh của nhà trường đã hy sinh anh dũng, hơn 90 người đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường. Non trẻ nhưng giàu nội lực, những năm chiến tranh dù trường lớp còn đơn sơ, vừa giảng dạy, học tập lại vừa phải lao động xây dựng trường lớp nhà trường vẫn luôn đảm bảo tốt chất lượng giáo dục văn hoá, tỉ lệ học sinh lên lớp và đỗ tốt nghiệp vẫn được duy trì ở mức tương đối cao. Có thể khẳng định nhà trường ngày ấy là một hình mẫu tiêu biểu cho kiểu trường học thời chiến ở nước ta thời chống Mĩ- nhà trường vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa tham gia có hiệu quả vào các hoạt động XH.
II. Chiến tranh đi qua- Trên những bước đường vượt khó để trưởng thành.
Hiệp định Pa ri được kí đầu năm 1973, giặc Mĩ buộc phải ngừng các hoạt động chiến tranh phá hoại miền Bắc, không phải tránh bom đạn của kẻ thù nữa nhà trường đã được chuyển về vị trí mới hôm nay. Lại một lần nữa nhà trường bắt tay vào xây dựng từ đầu. khó khăn nhiều nhưng với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, chỉ trong thời gian ngắn, phụ huynh học sinh đã đóng góp hàng ngàn ngày công, hàng trăm cây tre, gỗ để xây dựng lớp học. một ngôi trường mới trên đồi cao nhanh chóng mọc lên.
Khi đất nước bước vào thời kì đổi mới cùng với cả nước đẩy mạnh phong trào kiên cố hoá phòng học, trường học. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, được sự ủng hộ giúp đỡ của chính quyền nhân dân địa phương, thay cho những phòng học tranh tre đơn sơ là những ngôi nhà khang trang từng bước được dựng lên. Cho đến nay một cơ ngơi bề thế đã được định hình và ngày càng hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ giáo viên từ chỗ chỉ có vài ba chục người giờ đã tăng lên tới con số trên một trăm có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của công tác giáo dục đào tạo. Số lớp học từ chỗ rất ít giờ đã tăng lên và duy trì ở mức trên dưới 50 lớp với số lượng học sinh luôn dao động trong khoảng từ 2000 đến 2500 em. Đẩy lùi khó khăn để hướng đến thành công trong suốt những tháng năm qua thầy và trò nhà trường đã không ngừng gặt hái được những kết quả đáng tự hào. Trong số cán bộ giáo viên của nhà trường nhiều thầy cô đã trở thành những nhà giáo mẫu mực, những chiến sĩ thi đua. Một thầy giáo vinh dự được nhà nước phong là nhà giáo ưu tú, hàng chục thầy cô được công nhận là giáo viên giỏi tỉnh các chu kì. Hàng năm số lượng học sinh khá giỏi của nhà trường luôn đạt tỉ lệ khá cao. Trong các kì thi do tỉnh tổ chức các đoàn học sinh của nhà trường luôn đứng ở tốp dẫn đầu. Tỉ lệ học sinh lên lớp , đỗ tốt nghiệp và đỗ vào các trường chuyên nghiệp cũng luôn được duy trì ở nhóm những trường dẫn đầu trong toàn tỉnh. Đặc biệt là trong những năm gần đây năm nào nhà trường cũng có những học sinh xuất sắc thi đỗ điểm cao trong các kì thi tốt nghiệp và chuyên nghiệp. Bên cạnh hoạt động dạy học các hoạt động khác cũng được nhà trường quan tâm thường xuyên; đội văn nghệ, các câu lạc bộ thể thao luôn được duy trì đều đặn và hoạt động có hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo của các tổ chức trong nhà trường như Công Đoàn, Đoàn thanh niên mà đứng đầu là chi bộ Đảng mọi hoạt động của nhà trường đều diễn ra theo đúng kế hoạch mang lại cho nhà trường nhiều kết quả tốt đẹp. Bằng nỗ lực bền bỉ và sự cố gắng không mệt mỏi trong nhiều năm liền của lớp lớp thế hệ thầy trò, cho đến năm 2005 trong dịp kỉ niệm 40 năm xây dựng và trưởng thành nhà trường đã vinh dự được chủ tịch nước trao tặng huân chương lao động hạng 3. Từ thập kỉ 90 của thế kỉ 20 cho đến những năm đầu của thế kỉ 21 giáo dục cả nước lại giấy lên một phong trào hết sức sôi động, phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nắm bắt được ý nghĩa tầm quan trọng của sự việc, lãnh đạo nhà trường đã lên kế hoạch và tổ chức thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong nhà trường. Bằng những việc làm cụ thể thiết thực, sau nhiều năm cố gắng phấn đấu cho đến năm 2009 nhà trường đã chính thức được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn một (2001-2010). Biết rằng phía trước còn nhiều việc phải làm, đầy những khó khăn thách thức đang chờ đón thầy và trò nhà trường nhưng sự trưởng thành, kinh nghiệm cùng bản lĩnh vượt khó sẽ giúp nhà trường vượt qua tất cả để tiếp tục gặt hái được những thành công mới.
Về trường THPT Lục Nam hôm nay chứng kiến một ngôi trường khang trang tươi đẹp, nhìn ngắm những gương mặt rạng ngời của thầy trò nhà trường liệu ai dám nghĩ trường đã có những tháng ngày như thế. Nếu biết được quá trình xây dựng đáng tự hào ấy chắc chắn mọi người sẽ nghĩ rằng nhà trường sẽ còn tươi đẹp hơn, tầm vóc sẽ lớn hơn, sức vươn sẽ cao, xa hơn trong một tương lai gần hơn.