Đăng ký Doanh nghiệp vào Danh bạ 0915.050.067 - Email: truyenthongcongnghe@gmail.com
DANH MỤC NGÀNH NGHỀ
Bản in
Sở Công An Nghệ An
Tin đăng ngày: - Xem: 10613

Sở Công An Nghệ An

ĐC: Số 7 - Trường Thi -TP. Vinh - Nghệ An
Xem bản đồ:
Tel: 383839500
Email: congannghean@Gmail.com
Website: http://www.nghean.gov.vn/cana/
Đại diện: Nguyễn Hồng Thanh

Lịch sử hình thành và phát triển của Công an Nghệ An là một sự tiếp nối liên tục theo dòng chảy lịch sử của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng. Trong Cao trào cách mạng năm 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, xuất phát từ nhu cầu thực tế để bảo vệ phong trào cách mạng, bảo vệ các thành quả của chính quyền Xô viết, căn cứ vào điều kiện và khả năng của ta lúc bấy giờ, Đảng ta đã quyết định thành lập các Đội Tự vệ đỏ.

Đội tự vệ Đỏ xã Phúc Sơn - Anh Sơn, một trong những tổ chức tiền thân của lực lượng Công an Nhân dân năm 1930 - 1931

Chấp hành chủ trương trên các cấp bộ Đảng, công hội đỏ, nông hội đỏ và các làng xã có chính quyền Xô viết đã nhanh chóng triển khai việc xây dựng các đội Tự vệ đỏ. Tính đến tháng 6/1931 tại Nghệ An đã có 441 đội với 7.130 đội viên Tự vệ đỏ. Các huyện có đông Tự vệ đỏ là Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc...
Cuối năm 1931, Xô viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp, phong trào cách mạng tạm lắng, chính quyền Xô viết và Tự vệ đỏ không có điều kiện để tồn tại. Tuy vậy, cao trào cách mạng năm 1930- 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu, trong đó có bài học về công tác xây dựng tổ chức, duy trì, phát triển các đội Tự vệ và tiến hành cách mạng phải gắn liền với bảo vệ thành quả cách mạng.

Trong cuộc vận động Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936- 1939) để bảo vệ quần chúng tham gia đấu tranh, biểu tình, bãi công...đòi tự do, cơm áo, hòa bình; các cấp ủy Đảng đã xây dựng các đội tự vệ để làm công tác bảo vệ. Các hoạt động khác như: Diễn thuyết của cán bộ cách mạng, các cuộc rải truyền đơn, dán khẩu hiệu đều có lực lượng Tự vệ canh gác, bảo vệ. Thời kỳ 1939- 1945, dựa vào kinh nghiệm lịch sử của những năm 1930- 1931 Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh trước khi phát động quần chúng đứng lên tổng khởi nghĩa đã đặc biệt chú ý thành lập các đội Tự vệ (gọi là Tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc, tự vệ cảm tử, Công an đặc biệt đoàn...) để làm nòng cốt cho công tác bảo vệ các cuộc đấu tranh.

Từ Tự vệ đỏ, Tự vệ công nông đến Tự vệ cứu quốc, Tự vệ cảm tử... là một quá trình tiến lên không ngừng tạo tiền đề vật chất dẫn đến sự ra đời của tổ chức Công an nhân dân Nghệ An trong tổng khời nghĩa cách mạng Tháng 8 năm 1945.

I- CÔNG AN NGHỆ AN THỜI KỲ 1945- 1954

1- Giai đoạn 1945- 1946.

Trong khởi nghĩa giành chính quyền, ủy ban khởi nghĩa các cấp đã hướng dẫn Tự vệ phân công canh gác quản lý đường phố, kho tàng, nhà hàng, các công sở, trụ sở của địch. Ngày 21/8/1945 hàng vạn nhân dân tay cầm gậy gộc, giáo mác có lực lượng tự vệ đi đầu đã gương cao cờ đỏ sao vàng, rầm rập biểu tình, tuần hành, thị uy dọc các đường phố tiến vào bao vây và chiếm dinh Tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng Đặng Hướng đầu hàng và bàn giao chính quyền cho cách mạng. Chính quyền cách mạng đã được thành lập (gọi là ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An) ra mắt quần chúng, gồm các ông: Lê Viết Lượng- Chủ tịch, Nguyễn Tài- P.Chủ tịch, cùng các ủy viên ủy ban. Đồng chí Nguyễn Tạo- Đảng viên Cộng sản, cựu chính trị phạm được cử làm ủy viên phụ trách Công an. Đồng chí Nguyễn Tạo đã bắt tay vào tổ chức các đội Tự vệ triển khai công tác giữ gìn ANTT. Tổ chức Công an cấp tỉnh lúc này bao gồm 2 bộ phận: Bộ phận trinh sát hoạt động bí mật và bộ phận công khai làm công tác giữ gìn trật tự trị an. Tất cả các phủ, các huyện trong tỉnh đều thành lập các tổ trinh sát làm công tác giữ gìn ANTT từ 3-5 người.

Cách mạng Tháng 8 thành công cũng như ở các địa phương khác, tại Nghệ An bên cạnh khó khăn chung của cả nước còn có những thuận lợi và khó khăn riêng mang tính đặc thù. Phát xít Nhật tuy đã bại trận nhưng vẫn còn 1 vạn quân đóng tại Nghệ An; Thực dân Pháp thực hiện ý đồ trở lại Nghệ An trước khi ta giành chính quyền, ngày 15/8/1945 chúng đã chiếm 2 đồn NaPê và Noọng Hét ở Lào sát biên giới làm bàn đạp tấn công đánh chiếm Nghệ An. Sau ngày độc lập mới được 3 tuần, 1 vạn quân Tưởng lũ lượt kéo vào Nghệ An. Phối hợp chặt chẽ với các thế lực đế quốc, bọn tay sai phản động các loại tay sai Nhật-Pháp thâm thù cách mạng núp bóng lưỡi lê ngoại bang tìm cách ngóc đầu dậy. Nguy hiểm và thâm độc nhất trong số bọn tay sai, phản động này là hoạt động của bọn "Việt Quốc", "Việt cách"khoác áo "cách mạng" với chiêu bài "yêu nước", dựa vào quân Tưởng kéo vào Nghệ An với ý đồ lập trụ sở, treo cờ hoạt động công khai chống đối đi đến lật đổ chính quyền. Bọn đầu sỏ Quốc dân Đảng ở Hà Nội đã phái vào Nghệ An những tên trùm phản động chống cộng khét tiếng như: Nguyễn Long, Trần Kim Anh-ủy viên Trung ương Quốc dân Đảng, Nguyễn Xuân Triều- phái viên đặc biệt của Nguyễn Hải Thần, Thị Nga- liên lạc viên cao cấp của Quốc dân Đảng...để chỉ đạo các hoạt động chống phá của bọn phản động địa phương.

Cùng với sự phá hoại quấy rối của thù trong giặc ngoài là sự khó khăn phức tạp của tình hình kinh tế- xã hội sau nạn đói năm 1945. Đời sống nhân dân trăm bề khốn khó. Tội phạm hình sự, các tai tệ nạn xã hội tăng cường hoạt động quấy rối trật tự trị an.

Đứng trước tình hình nguy ngập và cấp bách này, để đưa cách mạng ra khỏi cơn hiểm nghèo Đảng bộ và chính quyền đề ra một loạt chủ trương và biện pháp quan trọng. Một trong những chủ trương và biện pháp quan trọng đó là: Tập trung xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng (Quân đội, Công an, các đội Tự vệ...). Đối với ngành Công an được sự hướng dẫn của Công an Trung ương, cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh đã giúp Công an từng bước kiện toàn, chấn chỉnh tổ chức đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền đã giúp cho lực lượng Công an lớn lên về nhiều mặt trong buổi đầu xây dựng. Đó là nguyên nhân cơ bản giúp cho Công an Nghệ An giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống các hoạt động của bọn tình báo, gián điệp, bọn phản động các loại bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, vượt qua thử thách hiểm nghèo trong những năm tháng đầy biến động lịch sử 1945-1946. Những chiến công xuất sắc của Công an Nghệ An trong thời kỳ này là: Bảo vệ thành công cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội và HĐND các cấp; vô hiệu hóa các hoạt động gián điệp của cơ quan tình báo Pháp mà trung tâm là phái Bộ Pháp đóng tại Vinh theo Hiệp định sơ bộ 6/3/1946; phá tan âm mưu lập trụ sở treo cờ hoạt động công khai của bọn Quốc dân đảng, bắt và tiêu diệt toàn bộ bọn đầu sỏ Trung ương Quốc dân đảng vào Nghệ An chỉ đạo bọn Quốc dân đảng địa phương hoạt động chống phá cách mạng cùng với bọn cầm đầu Quốc dân đảng tại địa phương Nghệ An như: Nguyễn Long, Trần Kim Anh, Nguyễn Xuân Triều, Thị Nga, Nguyễn Thiện Biên, Đinh Công Tráng (tức Hoàng Tư Quý)...

2- Giai đoạn 1947- 1954.

Biết rõ Nghệ An nói riêng và Thanh- Nghệ-Tĩnh nói chung là địa bàn chiến lược quan trọng của cuộc kháng chiến, nên thực dân Pháp luôn luôn nung nấu ý đồ chuẩn bị lực lượng để tấn công đánh chiếm từng phần tiến tới chiếm đóng toàn bộ. Khi thế và lực bị suy yếu không đủ khả năng đánh chiếm Thanh-Nghệ-Tĩnh chúng chuyển sang kế hoạch đánh phá hậu phương bằng nhiều thủ đoạn, hành động nham hiểm và thâm độc như: Tập kích, pháo kích, ném bom bắn phá, phong tỏa quấy rối bờ biển, biên giới, tung gián điệp, biệt kích vào hậu phương thu thập thông tin tình báo, móc nối, lôi kéo bọn phản động nội địa hoạt động chống phá cách mạng.

Để đối phó với âm mưu của Thực dân Pháp, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ An đã có nhiều chủ trương và biện pháp thích hợp để đấu tranh ngăn chặn như: Làm trong sạch địa bàn, tiêu thổ để kháng chiến, triệt để tản cư, tích cực xây dựng lực lượng bảo vệ hậu phương đấu tranh làm thất bại âm mưu đánh chiếm, quấy rối Nghệ An, ngăn chặn kịp thời các hoạt động phá hoại của bọn gián điệp, biệt kích, bọn phản động nội địa và bọn tội phạm khác. "...Cung cấp sức người, sức của cho các chiến trường. Tăng cường khối địa đoàn kết toàn dân..., củng cố và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất..., tiếp tục củng cố các đoàn thể cứu quốc. Tiếp tục củng cố và phát triển Đảng bộ về mọi mặt, cải tiến lề lối làm việc..." 1

Nhiệm vụ trực tiếp của lực lượng Công an Nghệ An trong thời kỳ này là: Phục vụ tốt các chủ trương, chính sách trên của cấp uỷ, chính quyền đồng thời phải tăng cường xây dựng và củng cố lực lượng Công an từ tỉnh, quận, huyện, xã để làm tốt công tác giữ gìn ANTT trong tỉnh, sẵn sàng chiến đấu với kẻ địch bên ngoài và chủ động đối phó với mọi thế lực phản cách mạng bên trong. Công an Nghệ An là lực lượng chủ công trong công tác làm trong sạch các An toàn khu về phương diện chính trị- xã hội; giữ vững trật tự trị an ở những địa bàn tiêu thổ kháng chiến và những khu vực tập trung kinh tế dân cư mới xuất hiện ở các vùng nông thôn, rừng núi từ các nơi tản cư, sơ tán về. Khẩn trương xây dựng gấp rút mạng lưới CSBM để kịp thời đối phó với mọi tình huống bất trắc khi chiến tranh xẩy ra. Đồng thời, xây dựng phương án, lập kế hoạch đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại âm mưu hoạt động của bọn tình báo, gián điệp, bọn phản động nội địa, bọn tội phạm các loại... bảo vệ vững chắc hậu phương của cuộc kháng chiến. Như:

  • Phát hiện bắt giữ tên Trần Ngọc Thanh được cơ quan tình báo Pháp đánh vào nội bộ Trung đoàn 57 Nghệ An với chức vụ "Trưởng ban tình báo Trung đoàn".
  • Phá tan đường dây gián điệp của phòng nhì Hải quân Pháp chi nhánh Hòn Mê (sau này là phòng nhì Hải quân giải phóng Liên khu 4). Khám phá, bắt giữ nhiều tên tình báo, gián điệp đặc biệt nguy hiểm như: Nguyễn Minh Kỳ, Đậu Quang Hải, Trương Quang Phơn, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Gia Thăng, Hoàng Đào... 
  • Đập tan các tổ chức phản động nội địa, làm thất bại âm mưu móc nối, câu kết giữa bọn tình báo gián điệp Pháp với bọn phản động bên trong âm mưu kích động gây bạo loạn phản cách mạng, tiến tới lật đổ chính quyền: Tổ chức "Liên Tôn chống Cộng", Đảng Bảo Mương, Đảng Hắc Xạt, Đảng Dân chúng liên hiệp, vụ bạo loạn làng Nghi, vụ bạo loạn Tràng Nứa...

Trên mặt trận đấu tranh giữ gìn trật tự ATXH trong giai đoạn này, Công an Nghệ An đã đấu tranh làm rõ một số vụ trọng án lớn về kinh tế, hình sự, các vụ in và lưu hành tiền giả (Lê Văn Chất- 3/1946, Phạm Phúc- 11/1947, Lê Ngọc Đức, Lê Doãn Vinh, Nguyễn Hình Chí... 6/1951; vụ trộm tại kho quân nhu Trung Bộ năm 1950; vụ án bà Quảng Tiến năm 1947, triệt băng cướp thị xã Vinh do Nguyễn Duy Dĩ cầm đầu năm 1951...).

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, quân dân Nghệ An vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành các cuộc cải tạo và xây dựng XHCN, không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng đấu tranh làm thất bại âm mưu của bọn phản động và các thế lực thù địch khác.

II-CÔNG AN NGHỆ AN THỜI KỲ 1954- 1975.

1- Giai đoạn 1954- 1964.

Nghệ An vốn là vùng tự do suốt trong 9 năm kháng chiến nên việc xây dựng kinh tế- văn hóa- xã hội đã đạt được những thành tích đáng kể tạo tiền đề quan trọng cho bước đi tới. Tuy nhiên, dù không phải là chiến trường trực tiếp nhưng trong 9 năm kháng chiến Nghệ An thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt theo kiểu "Ngoại công, nội kích". Sau hòa bình lập lại các thế lực phản động bên trong cấu kết với kẻ thù bên ngoài vẫn không ngừng hoạt động chống phá cách mạng. Mỹ, ngụy và bọn phản động lợi dụng đạo thiên chúa đẩy mạnh hoạt động cưỡng ép di cư vào Nam, chống cải cách ruộng đất, gây ra nhiều vụ bạo loạn phản cách mạng ở Trù Sơn-Anh Sơn, Quỳnh Yên-Quỳnh Lưu. Chúng đã tung nhiều toán gián điệp, biệt kích từ biên giới Việt-Lào, từ đường không, đường biển vào hoạt động thu thập tình báo, móc nối, cấu kết với các thế lực phản động bên trong chống phá cách mạng phục vụ âm mưu "Bắc tiến".

Để đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ mới lực lượng Công an Nghệ An đã được Bộ Công an, Tỉnh ủy, chính quyền các cấp quan tâm tăng cường về lực lượng và các điều kiện đảm bảo về vật chất, phương tiện, trang thiết bị cần thiết. Nghị quyết 04 về Quốc phòng-An ninh ngày 26/7/1959 của Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ rõ: "Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng và bọn tội phạm hình sự, đẩy mạnh công tác trật tự trị an, công tác Quốc phòng, xây dựng phòng tuyến nhân dân phía Tây và phía Biển...", Ty Công an Nghệ An đã từng bước kiện toàn về tổ chức và bố trí lực lượng cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ. Tính đến tháng 4/1959 về tổ chức Công an Nghệ An đã có 6 ban nghiệp vụ (Văn phòng, bảo vệ chính trị, bảo vệ kinh tế, trị an, dân cảnh...). Công an thị xã Vinh, Công an các huyện đã được sắp xếp lại về tổ chức và lực lượng.

Trong cuộc đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép di cư, Công an là thành viên Thường trực trong "Ban chỉ đạo chống cưỡng ép di cư". CBCS Công an tham gia Ban chỉ đạo xuống các cơ sở, các vùng trọng điểm có đồng bào theo đạo Thiên chúa đi sâu, đi sát giải thích chính sách của Đảng và Chính phủ, vạch rõ âm mưu thâm độc của Mỹ và tay sai để đồng bào an tâm ở lại làm ăn sinh sống. Đồng thời bố trí lực ngày đêm bám sát địa bàn, xây dựng cơ sở nắm tình hình điều ta trấn áp bọn phản động kích động, lôi kéo người di cư, kiên quyết đấu tranh trừng trị bọn cầm đầu các vụ gây rối, gây bạo loạn....

Lực lượng Công an đã tham gia tích cực công tác phục vụ cải cách ruộng đất góp phần vào thắng lợi chung. Qua đó cuộc vận động này CBCS Công an (trực tiếp hoặc gián tiếp) phục vụ cải cách ruộng đất đã được rèn luyện thử thách, tích lũy thêm kinh nghiệm về công tác đấu tranh vận động quần chúng và năng lực công tác chuyên môn. Chấp hành chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất (ngày 31/12/1956) Ty Công an Nghệ An đã có kế hoạch chỉ đạo Công an các huyện, thị, các phòng nghiệp vụ tích cực tham gia công tác xác minh, kết luận số Đảng viên bị xử lý sai, đấu tranh ngăn chặn bọn phản động lợi dụng kích động xuyên tạc chính sách của Đảng, kết quả Công an đã xác minh 2.100 hồ sơ, đề nghị minh oan 1.508 người, góp phần đề xuất cấp ủy phục hồi Đảng tịch cho 9.041 cán bộ Đảng viên (trong tổng số 10.402 Đảng viên bị xử lý). Một số phần tử xấu lợi dụng việc sửa sai trong cải cách ruộng đất để hoạt động chống phá cách mạng đã bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Ty Công an Nghệ An đã đấu tranh bóc gỡ nhiều đường dây hoạt động gián điệp của một số đối tượng gián điệp được cơ quan tình báo Mỹ-Ngụy về Nghệ An hoạt động như: Chu Tam Đa (1/1957), Lầu Chia Xồng (5/1957), Đậu Trọng Phúc (4/1960). Một số đối tượng hoạt động nhen nhóm tổ chức trốn vào Nam theo địch đã bị phát hiện và bắt giữ như: Viên Công Trứ, Bạch Duy Trọng, Bạch Quốc Nghệ, Thị Bá, Thị Mai...

Từ 1961- 1965 Đế quốc Mỹ và tay sai tiếp tục tăng cường chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý hòng làm cho hậu phương miền Bắc mất ổn định về chính trị, suy yếu về kinh tế, quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 22/6/1961, Nghị quyết 39/NQ- TW ngày 20/1/1962 của Bộ Chính trị và các chỉ thị, nghị quyết khác của Bộ Công an và Tỉnh ủy, ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An; Công an tỉnh đã triển khai nhiều công tác cơ bản như: Phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, khoanh vùng trấn phản, tập trung cải tạo, những phần tử nguy hiểm cho xã hội, giáo dục cải tạo các đối tượng dễ bị kẻ địch lợi dụng. Với phương châm "Lấy phòng ngừa làm chính" kết hợp với phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ với các biện pháp khác Công an Nghệ An đã làm thất bại âm mưu hoạt động gián điệp, biệt kích của Mỹ- Ngụy (ẩn nấp, con thoi, biệt kích) đã phát hiện và bắt giữ: Võ Công Hồng (9/1961), Nguyễn Châu Thanh (5/1962), Nguyễn Quốc Tường, Nguyễn Văn Mại (12/1962), Nguyễn Đình Lợi-Lang Văn Chung (6/1963), Đinh Văn Lâm-Nguyễn Văn Hanh (4/1964), Trần Kính (5/1964)...

Một số tổ chức phản động như "Đảng cộng hòa tiền phong Bắc Việt Nam" do Lê Liễu, Lê Phiến cầm đầu (7/1963); vụ nỗi phỉ Châu Pà ở Kỳ Sơn do Già Xay Xua, Lỳ Tổng Dình, Thò Và Xô cầm đầu (1963- 1964) cũng đã bị Công an Nghệ An phát hiện và trấn áp kịp thời.

Khám phá thành công nhiều vụ tham ô, trộm cắp tài sản XHCN, bọn tội phạm hình sự các loại: Vụ Trịnh Thị Cầm (4/1960), vụ Đậu Ngọc Quý (2/1963)...

2- Giai đoạn 1964- 1975.

Bị thất bại trên cả 2 chiến trường, đế quốc Mỹ ngày càng leo thang trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Mức độ ác liệt ngày càng lên cao, bom đạn Mỹ được sử dụng để đánh phá ác liệt vào các mục tiêu quân sự, dân sự, kinh tế, đặc biệt là đánh vào mục tiêu giao thông vận tải. Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 1965- 1972 máy bay địch đã đánh vào Nghệ An 30.216 trận (trong đó có 70 trận bằng B52). Tổng số bom đạn ném xuống Nghệ An là 203.930 tấn. Đế quốc Mỹ đã gây ra cho quân và dân Nghệ An nhiều thiệt hại to lớn về người và của. Đồng thời với việc dùng không quân, hải quân, bắn phá có tính chất hủy diệt nhiều mục tiêu; chiến tranh tâm lý cũng được chúng tiến hành ráo riết. Cũng như các năm trước đây đế quốc Mỹ và tay sai tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chiến tranh gián điệp, biệt kích. Trong 7 năm chúng đã xâm nhập bằng đường không và đường bộ 67 vụ (4 vụ đường không, 63 vụ đường bộ). Tàu biệt kích xâm nhập đánh phá 632 lần. Biệt kích người nhái: 3 vụ. Bọn gián điệp, biệt kích tìm cách móc nối, hướng dẫn kích động bọn phản động nội địa chống phá cách mạng, tiến hành thu thập, điều tra tình báo để phát hiện cơ quan lãnh đạo, kế hoạch bố trí lực lượng chiến đấu, đường vận tải chiến lược, bến bãi, kho tàng, hàng hóa...của ta cho lực lượng không quân và hải quân địch đánh phá.

Bên kia biên giới Việt- Lào đối diện với Nghệ An, Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai thân Mỹ tại Lào đã lập hàng trăm căn cứ phỉ, đồn bốt, căn cứ huấn luyện gián điệp, biệt kích. Từ các căn cứ này chúng tung gián điệp, biệt kích vào Nghệ An để gây cơ sở thu thập tin tức và hoạt động phá hoại.

Với quyết tâm "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Tất cả vì Miền Nam ruột thịt". Công an Nghệ An đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần và lực lượng để bước vào trận chiến đấu mơi. Trong công tác bảo mật phòng gian chấp hành Chỉ thị số 96/CT-TW ngày 7/5/1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ty Công an Nghệ An đã hướng dẫn kiểm tra đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư thực hiện đúng chế độ bảo mật phòng gian, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng. Những mặt công tác đó được tiến hành song song với việc xây dựng các kế hoạch bảo vệ an ninh chính trị an toàn xã hội. Ty Công an đã cử hàng trăm cán bộ cùng Công an huyện, thành phố về hướng dẫn Công an xã, khu phố, lập và quản lý hồ sơ chính trị ở cơ sở. Phương án phòng chống bọn gián điệp, biệt kích, bọn phản động nội địa gây bạo loạn được xây dựng và luyện tập thường xuyên, nhằm giành thế chủ động khi đánh địch.

Đấu tranh chống gián điệp, biệt kích là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách lúc này. Thực hiện phương châm "Giữ dưới đất là chính, giữ bên trong là chính" ở các vùng xung yếu, vận dụng những kinh nghiệm trong công tác phòng chống gián điệp, biệt kích của những năm trước đây các lực lượng phòng chống gián điệp, biệt kích của Ty Công an Nghệ An phối hợp với các lực lượng khác (nhất là Công an nhân dân Vũ trang) đã chủ động đón lõng, bao vây, phong tỏa... đón bắt và khám phá nhiều vụ gián điệp, biệt kích, gián điệp ẩn nấp, gián điệp theo phương thức P86... Điển hình như: Vụ Lê Văn Bùng- Lê Văn Tiến ở Quỳ Châu (7/1968); vụ bắt 3 tên gián điệp hoạt động theo phương thức P86 (Phan Đình Lợi, Vi Văn Toản, Lô Văn Vinh) tháng 7/1970; vụ Trần Đình Hiền (6/1968)... Đối với bọn phản động nội địa Công an Nghệ An vừa tiến hành các biện pháp phòng ngừa (khoanh vùng trấn phản), vừa đẩy mạnh công tác trinh sát, đấu tranh chuyên án, khám phá nhiều tổ chức phản động như: Mặt trận "Gươm thiêng ái quốc" (8/1966); Đảng nhà sàn (7/1971); đập tan các vụ bạo loạn gây rối chính trị của bọn phản động ở Diễn Châu, Nghi Lộc... Đồng thời, đã chủ động đối phó làm thất bại âm mưu phỉ tập kích vào Kỳ Sơn (6/1970) và nhiều kế hoạch khác nhằm quấy rối an ninh vùng biên của Đế quốc Mỹ và chính phủ ngụy Lào. Trên mặt trận bảo vệ kinh tế, đấu tranh chống tội phạm hình sự, Công an Nghệ An đã thực hiện tốt Nghị quyết số 59/CP của Hội đồng Chính phủ và Chỉ thị số 50/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường quản lý kinh tế tài chính, bảo vệ tài sản của Nhà nước và tập thể, kịp thời trừng trị bọn tội phạm nguy hiểm. Điển hình: Vụ "Công ty đường ngầm" ở TP Vinh- Nghệ An, bắt 34 tên do Bùi Văn Mẫu cầm đầu, vụ Đỗ Như Hoa cán bộ đại lý tiết kiệm Nông trường 3/2 Quỳ Hợp...Trong thời gian này Công an Nghệ An đã mở nhiều đợt tấn công vào bọn tội phạm hình sự, khám phá nhiều vụ trọng án như vụ Nguyễn Văn Lợi (11/1966), vụ Nguyễn Hải Âu (6/1969)...

Một trong những chiến công xuất sắc của Công an Nghệ An lúc này là phối hợp với các lực lượng khác (thanh niên xung phong, giao thông vận tải...) giữ vững mạch máu giao thông. Sau khi đánh phá hầu hết cầu đường trên tuyến đường bộ như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7, đường sắt, đường thủy chúng liên tục đánh phá các cầu nhỏ còn lại trên các tuyến đường liên hương. Nghệ An với những tọa độ lửa mãi mãi được lưu danh sử sách về mức độ ác liệt và những chiến công hiển hách của các lực lượng đảm bảo giữ vững mạch máu giao thông: Ga Hoàng Mai, cầu Bến Thủy, cầu Phương Tích, dốc Truông Bồn...Trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ, nhiều đơn vị, cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, ngoan cường, bám sát địa bàn, bám sát các mục tiêu bảo vệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là: Đội Cảnh sát giao thông TP Vinh, Trạm Công an đường sắt ga Vinh; là những tấm gương hy sinh quả cảm vì sự nối liền của mạch máu giao thông: Nguyễn Trọng Đích, Hoàng Vũ Trọng, Huỳnh Năm, Đoàn Danh Ngôn, Tăng Bá Bình, Trần Văn Điển...

Công tác chi viện chiến trường là một hành động thiết thực nhất của CBCS Công an Nghệ An thể hiện tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến"," Tất cả vì miền Nam ruột thịt". Tính từ năm 1962 đến năm 1975 Công an Nghệ An đã có 441 CBCS chi viện cho chiến trường miền Nam và Lào; trong đó có 63 đồng chí đã anh dũng hy sinh, hàng chục đồng chí bị thương, trung bình trong 10 năm (1965- 1975) hàng năm Công an Nghệ An chi viện cho chiến trường miền Nam chiếm tỷ lệ trên 50% so với tổng biên chế của Công an Nghệ An vào thời điểm lúc bấy giờ. Số CBCS hy sinh tại chiến trường miền Nam gấp 6,3 lần số hy sinh trong chiến tranh phá hoại ở Miền Bắc.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ với những thành tích đạt được Công an Nghệ An đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng việc: Tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang cho 5 đơn vị (đội Cảnh sát giao thông TP Vinh, trạm Công an đường sắt ga Vinh, Ban Công an xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), Ban Công an xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), Ban Công an xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) và 4 cá nhân: Đồng chí Trần Đình Lư, Nguyễn Thị Minh Châu, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Thị Hạnh.

Đó là những tập thể tiêu biểu, những cá nhân tiêu biểu cho lực lượng Công an Nghệ An trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tô thắm thêm trang sử vẻ vang của lực lượng Công an tỉnh nhà.

III- CÔNG AN NGHỆ AN THỜI KỲ 1975 ĐẾN NAY.

1- Giai đoạn 1975- 1986.

Với đại thắng Mùa xuân 1975 đã đưa cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới: Cả nước độc lập, thống nhất làm chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng Xã hội chủ nghĩa. Là một tỉnh thuộc tuyến lửa Quân khu 4, Nghệ An trong chiến tranh phá hoại đã bị bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề: 15.203 người chết, 20.605 người bị thương, tất cả các mục tiêu quan trọng về kinh tế, quân sự, giao thông dân sự đều bị đánh phá với tính chất hủy diệt. Hậu quả chiến tranh quá lớn đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trước những thử thách mới không thể khắc phục một sớm, một chiều. Hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, công cuộc cải tạo và xây dựng CNXH với nhiều chiến dịch được phát động liên miên, vì vậy nhân, vật lực của tỉnh nhà bị khai thác đến mức tối đa. Bên cạnh đó Nghệ An vẫn là một trong những trọng điểm đánh phá của các thế lực thù địch. Thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Đế quốc Mỹ vẫn âm mưu chống phá cách mạng nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng bằng kế hoạch hậu chiến. Chúng câu kết với bọn phản động Quốc tế và một số nước tay sai khác ráo riết tiến hành bao vây, kìm hãm, phá hoại về kinh tế, kích động di tản, gây bạo loạn, tiến hành chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý, thực hiện âm mưu "làm chảy máu Việt Nam".

Vượt qua mọi khó khăn thử thách, Đảng bộ, chính quyền các cấp đã lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà giành nhiều thắng lợi cơ bản và quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trên lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự lực lượng Công an tỉnh nhà đã được các kỳ đại hội Tỉnh đảng bộ ghi nhận và đánh giá cao. Sau khi ổn định tình hình, sắp xếp tổ chức (lúc này Ty Công an Nghệ An và Ty Công an Hà Tĩnh được nhập lại thành Ty Công an Nghệ Tĩnh). Đảng bộ, Lãnh đạo Ty Công an Nghệ Tĩnh đã triển khai một loạt biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Xây dựng hoàn thiện các phương án phòng chống gián điệp, biệt kích, chống gây rối và gây bạo loạn, chống tổ chức trốn ra nước ngoài, làm trong sạch các địa bàn xung yếu, xây dựng phòng tuyến an ninh nhân dân vũng chắc ở các địa bàn trọng điểm. Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch 778 kịp thời phát hiện và bắt giữ 4 tên gián điệp và 10 tên thám báo của nước ngoài xâm nhập vào Nghệ Tĩnh như Vi Văn Bút, Vi Văn Tú, Nguyễn Văn Trọng..., 396 đối tượng xâm nhập qua biên giới Việt- Lào vi phạm chủ quyền an ninh Quốc gia và tiến hành các hoạt động thù địch. Công an Nghệ Tĩnh đã chủ động đối phó và làm thất bại kế hoạch hậu chiến của Đế quốc Mỹ bằng việc phát hiện và bắt giữ nhiều tên gián điệp hoạt động theo phương thức P86, T72 như: Nguyễn Song Phúc (12/1976), Nguyễn Trung Kiên (3/1977), Lê Như Mãn (4/1979)... Đồng thời tổ chức tấn công chính trị số đối tượng đầu hàng khai báo trở về Miền Bắc sau kết thúc chiến tanh; kết quả: 3 đối tượng ra tự thú, bắt 4 đối tượng đầu hàng, chiêu hồi không chịu khai báo như Cao Đức Ngọc, Lê Đăng Nhì, Nguyễn Đăng Tuồn, Nguyễn Dương Diềm.

Công tác bảo vệ nội bộ đã được lực lượng Công an tỉnh đặc biệt quan tâm trong lúc này. Ta đã tập trung điều tra, xác minh làm rõ 24 trường hợp giả mạo lý lịch chui vào cơ quan Nhà nước, trong đó có nhiều trường hợp nghi vấn chính trị. Tổ chức bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào thăm và làm việc tại tỉnh nhà và các kỳ đại hội Tỉnh đảng bộ khóa 9, 10, 11. Trong thời gian này, thực hiện Thông báo số 4 của Bộ Nội vụ về việc bảo vệ đường dây Bưu điện, tải điện giữ vững thông tin liên lạc, chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Chỉ tính trong 2 năm 1983- 1984 qua công tác phát động quần chúng, biện pháp nghiệp vụ Công an đã đấu tranh phát hiện bắt giữ 62 vụ vi phạm, thu giữ 36.856 m dây điện thoại, 35 cột điện, 45 ống dẫn xăng dầu. Trong đó có vụ đặc biệt nghiêm trọng mà đối tượng chính đã bị tuyên án tử hình (vụ Nguyễn Kim Xuyến tại Diễn Châu- tháng 4/1982). Trong những năm 1982- 1983 Công an tỉnh đã lập án đấu tranh thu hồi chất phóng xạ Uranium hoạt động buôn bán trôi nổi trên thị trường, bắt đối tượng Nguyễn Thành Long (đối tượng chính trong đường dây buôn bán chất phóng xạ) thu 9,8 kg Uranium, kết thúc chuyên án này Công an Nghệ Tĩnh đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương chiến công.

Khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc xảy ra trong khi lo đối phó với tình hình an ninh trật tự rất phức tạp ở trong tỉnh, một lẫn nữa Công an Nghệ Tĩnh lại tích cực chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Tính đến tháng 10/1979 Ty Công an Nghệ Tĩnh đã chi viện cho Công an các tỉnh Tây Nam 233 CBCS, cho lực lượng an ninh Campuchia 65 CBCS, 600 CBCS cho Công an các tỉnh phía Bắc. Đây là một cố gắng rất lớn của Công an Nghệ Tĩnh vì thời điểm 1979- 1980 và liên tục các năm về sau Nghệ Tĩnh là một trong những địa phương gặp khó khăn nhiều nhất trên tất cả mọi mặt từ Quốc phòng- An ninh đến kinh tế- xã hội, do thiên tai địch họa gây ra.

Song song với công tác giữ gìn an ninh Quốc gia trên lĩnh vực bảo vệ trật tự an toàn xã hội, Công an đã làm tốt công tác đấu tranh chống tội phạm kinh tế, tội phạm hình sự. Tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 228 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ tài sản XHCN, Chỉ thị 115 của Ban Bí thư, Quyết định 154 của Hộ đồng Chính phủ về đấu tranh phòng ngừa chống tội phạm hình sự. Chỉ tính trong thời gian 1980- 5/1985 qua công tác điều tra lực lượng Công an đã phát hiện 500 vụ buôn lậu, tích trữ, đầu cơ các mặt hàng Nhà nước quản lý, triệt phá 686 ổ nhóm lưu manh, khám phá 1.358 vụ xâm phạm tài sản XHCN và 3.801 vụ phạm pháp hình sự, bắt hàng ngàn đối tượng, thu hồi tài sản cho Nhà nước và nhân dân trị giá trên 60 triệu đồng (thời giá trước khi đổi tiền tháng 8/1985). Tỷ lệ phá án đạt 80%, trong đó trọng án đạt 98%. Một số vụ trên biển: Vụ Trương Hiền (tức Toọng) năm 1979, vụ Nguyễn Bá Hải năm 1980, vụ Nguyễn Thị Hường năm 1981...

Năm 1985 nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn (trong đó có kỷ niệm 40 năm ngày truyền thông lực lượng Công an nhân dân), Công an tỉnh Nghệ Tĩnh đã được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, đơn vị Công an huyện Kỳ Sơn được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

2- Giai đoạn 1986 đến nay.

Công cuộc đổi mới đất nước được Đảng ta khởi xưởng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và lĩnh vực giữ gìn ANTT nói riêng.Đây là giai đoạn lực lượng Công an Nghệ Tĩnh đổi mới về tổ chức và hoạt động, góp phần bảo vệ vững chắc An ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp đổi mới công cuộc CNH - HĐH đất nước.

Trong quá trình chuyển đổi bước sang nền kinh tế thị trường đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Sự xâm nhập các luận điệu phá hoại tư tưởng theo phương thức "Diễn biến hòa bình", hoạt động của bọn phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc đã có sự điều chỉnh về mục tiêu và phương hướng, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân dẫn đến việc hình thành các "điểm nóng" về an ninh trật tự. Hoạt động của bọn tội phạm xâm phạm An ninh Quốc gia có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, được tổ chức chặt chẽ, kín đáo, gây thiệt hại đáng kể cho công cuộc bảo vệ An ninh Quốc gia và TTATXH của tỉnh nhà.

Sự chuyển hướng của tội phạm kinh tế, hình thành các đường dây buôn lậu lớn, tội phạm hình sự có xu hướng gia tăng về tính chất nguy hiểm (có tổ chức chuyên nghiệp). Đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm ma túy. Nghệ An là một trong những địa phương được xác định là trọng điểm về ma túy với đầy đủ các yếu tố: Sản xuất, trung chuyển, phân phối, tiêu thụ... Đứng trước tình hình và nhiệm vụ mới, sau khi ổn định về công tác tổ chức xây dựng lực lượng (nhất là sau khi chia tách tỉnh).

Công an Nghệ An đã tổ chức triển khai đồng bộ một số công tác lớn trên lĩnh vực an ninh trật tự theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Công an Toàn quốc hàng năm và Nghị quyết Đại hội Tỉnh đảng bộ các khóa 12, 13, 14 để phục vụ công cuộc đổi mới và sự nghiệp CNH- HĐH đất nước.

Trên lĩnh vực bảo vệ An ninh Quốc gia: Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ xây dựng, hoàn thiện các phương án, đề án và các giải pháp công tác đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng hoạt động theo phương thức "Diễn biến hòa bình". Chỉ tính từ năm 1986- 2003 đã xác lập 32 chuyên án, trong đó có 3 chuyên án gián điệp, 15 chuyên án hệ phản động và 14 chuyên án, đấu tranh với các đối tượng khác xâm phạm An ninh Quốc gia. Đặc biệt đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính các cấp, các ngành tập trung giải quyết tốt an ninh nông thôn, an ninh văn hoá- tư tưởng và các vùng đặc biệt khác.

Trong những năm qua các bộ phận chức năng của lực lượng Công an Nghệ An đã phát hiện, ngăn chặn hàng ngàn tài liệu có nội dung chiến tranh tâm lý tán phát vào Nghệ An qua các con đường: Bưu điện, mạng Internet, người nước ngoài mang vào, từ biên giới, đường biển và từ các nguồn khác nhằm kích động chống Đảng Cộng sản, chế độ XHCN, tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vu cáo, nói xấu Việt Nam... Trong các hoạt động tuyên truyền đã gây ra một vài hiệu ứng lây lan trong một phạm vi nhất định, nhưng do ta làm tốt công tác đấu tranh phòng ngừa nên chưa để xảy ra hậu quả lớn.

An ninh biên giới, miền núi ngày càng được củng cố vững chắc, các hoạt động xâm phạn An ninh Quốc gia như: Di dịch cư trái phép, buôn bán hàng quốc cấm cùng với những hoạt động gây phỉ, lập các tổ chức phản động ở nội địa đã bị phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời.

Bên cạnh làm tốt công tác giữ gìn An ninh Quốc gia, công tác đấu tranh chống các loại tội phạm khác giữ gìn trật tự an toàn xã hội luôn được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách trong chương trình công tác hàng năm.

Trong 20 năm qua, hoạt động của tội phạm hình sự chiếm tỷ lệ 62/ 10.000 vụ / năm (Toàn quốc là 148/ 10.000 vụ / năm). ở Nghệ An chưa có tổ chức tội phạm lớn theo kiểu "xã hội đen". Các băng cướp, ổ nhóm tội phạm lớn đều không tồn tại lâu. Tội phạm mang tính chất Quốc tế chỉ mới có dấu hiệu; các đường dây tệ nạn lớn, hoạt động tinh vi chưa xuất hiện. Một số vụ án lớn về kinh tế, hình sự đã được khám phá trong giai đoạn này: Vụ Ngoại thương Đô Lương (1987), vụ Trịnh Thị Phương (1988), vụ Trương Xuân Điền (1990), vụ phường Lê Lợi-TP Vinh (1994), vụ Công ty truyền tải điện Bắc Miền Trung (1996), vụ tham ô tiền cứu trợ lũ lụt ở Mặt trận Tổ quốc-TP Vinh (năm 2000), vụ Công ty Việt An (2002). Công an Nghệ An liên tiếp mở các đợt truy quét phát động phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ tấn công mạnh mẽ các loại tội phạm, nhất là bọn lưu manh chuyên nghiệp, bọn cướp có vũ khí hoạt động theo băng nhóm ở các địa bàn trọng điểm. Triệt xóa hàng chục băng cướp nguy hiểm; bắt, tiêu diệt nhiều tên cầm đầu ngoan cố; thu nhiều tang, tài vật trả cho người bị hại, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân (Vụ Hồ Viết Hà (1987), vụ Ngô Xuân Quang (1994), vụ Từ Mạnh Hùng (1995), vụ Hồ Sỹ Bắc (1996), vụ cướp tiệm vàng Phú Nguyên Hằng (1997), vụ Nguyễn Đức Cường (2003), vụ băng trộm cướp xe máy liên tỉnh (2003) và một số các vụ trọng án lớn

Điều đáng quan tâm ở Nghệ An là tội phạm và tệ nạn ma túy so với toàn quốc là một trong những địa bàn nóng bỏng nhất. Đây là cuộc chiến cam go mà Công an Nghệ An tập trung chỉ đạo, đấu tranh ráo riết. Bình quân hàng năm đã bắt thu giữ một khối lượng ma túy chiếm từ 30- 40% trong toàn quốc. Một số vụ án lớn về ma túy đã được đấu tranh khám phá, như: Vụ Nguyễn Đức Lượng (2002), vụ Nguyễn Thạc Hưng (2003), Chuyên án 123H (tháng 2/2004)...Các vụ án về ma tuý ngày càng được chủ động đấu tranh phát hiện trong năm 2005 là 624 vụ, năm 2006 là 490 vụ...Năm 2006 Công an Nghệ An điều tra khởi tố 1.644 vụ, bắt 3.038 bị can, đề nghị truy tố 1.701 vụ, 2.833 bị can nhất là điều tra các vụ trọng án điều tra đạt tỷ lệ cao trên 97,5%....

Từ năm 2004 đến nay Công an Nghệ An đã tập trung làm tốt công tác tham mưu, cùng các cấp, các ngành phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu" 3 yên, 3 giảm" trong công tác đảm bảo ANTT theo tinh thhần Chỉ thị số 23/CT-TU của Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh và Đề án của UBND tỉnh...

Bên cạnh những thành tích đạt được trong nhiệm vụ bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH thời kỳ đổi mới, Đảng uỷ- lãnh đạo Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác XDLL-HC, xây dựng Công an Nghệ An trong sạch, vững mạnh. Đã chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tập trung xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ cốt cán, nâng cao phẩm chất, năng lực, đổi mới phong cách lãnh đạo điều hành; nâng cao chất lượng, kỹ năng công tác, thái độ, tác phong, lề lối làm việc của CBCS; tăng cường công tác quản lý cán bộ, phát hiện kịp thời, xử lý nghi những trường hợp sai phạm. Đồng thời, quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển sinh, tuyển dụng, thực hiện chính sách cán bộ. ...

Ghi nhận thành tích của Công an Nghệ An trong thời kỳ đổi mới (1986 đến nay) Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã tuyên dương 9 đơn vị và 2 cá nhân Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, tặng thưởng hàng trăm Huân, Huy chương, Bằng khen các loại. Đặc biệt, từ năm 2002 đến 2006, Công an Nghệ An luôn được Chính phủ, Bộ Công an tặng cờ "Đơn vị dẫn đầu về phong trào thi đua vì An ninh Tổ quốc"

Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có vị trí rất quan trọng về An ninh-quốc phòng; Nghệ An đang phấn đấu trở thành một tỉnh khá của cả nước, với nhiều chương trình, dự án kinh tế lớn được đầu tư. Tình hình ANTT còn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây phức tạp, nhất là tình hình an ninh biên giới, các loại tội phạm có chiều hường gia tăng. Do vậy, nhiệm vệ bảo vệ ANTT đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi toàn thể CBCS Công an Nghệ An nổ lực cố gắng nhiều hơn nữa, vừa làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, vừa chủ động triển khai đồn bộ các biện pháp công tác, chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng; đảm bảo nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm.

Trải qua chặng đường lịch sử hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, kế tục truyền thống của các đội Tự vệ đỏ trong cao trào Xô viết- Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự phối hợp giúp đỡ của các ban, ngành, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, các thế hệ Công an đã khôn ngừng nổ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh Quốc gia, giữ gìn TTATXH, phục vụ đăc lực nhiệm phát triển KT- XH của tỉnh nhà./.

Công ty TNHH Đo đạc & Kim Khí Nghệ An
Thi công mái xếp mái che di động
Showroom vật liệu xây dựng Thái Huỳnh
Công ty CP Xây dựng Mỹ thuật & Thương mại Thắng Lợi Lộc
Công ty Bất động sản Tân Long Nghệ An
Công ty CP Hosung
Họ Vương Việt Nam
Cửa hàng Thực phẩm sạch Nghệ An
Doanh nghiệp cùng Địa phương
Công ty TNHH Đo đạc & Kim Khí Nghệ An
Thi công mái xếp mái che di động
Showroom vật liệu xây dựng Thái Huỳnh
Công ty CP Xây dựng Mỹ thuật & Thương mại Thắng Lợi Lộc
Công ty Bất động sản Tân Long Nghệ An
Công ty CP Hosung
Họ Vương Việt Nam
Cửa hàng Thực phẩm sạch Nghệ An
TÌM KIẾM DOANH NGHIỆP
 
 
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Hôm nay: 5,054 | Tất cả: 72,444,897
 
 
Nghệ An
Hà Tĩnh
Thanh Hóa
Quảng Bình
Hà Nội
Hồ Chí Minh
Đà Nẵng
Vĩnh Phúc
An Giang
BR. Vũng Tàu
Bắc Cạn
Bắc Giang
Bạc Liêu
Bắc Ninh
Bến Tre
Bình Định
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Cà Mau
Cao Bằng
Đăk Lăk
Điện Biên
Đồng Nai
Đồng Tháp
Gia Lai
Hà Giang
Hà Nam
Yên Bái
Ninh Thuận
Hải Dương
Hải Phòng
Hậu Giang
Hòa Bình
Hưng Yên
Khánh Hòa
Kiên Giang
Kon Tum
Lai Châu
Lâm Đồng
Lạng Sơn
Lào Cai
Long An
Nam Định
Ninh Bình
Phú Thọ
Phú Yên
Quảng Nam
Quảng Ngãi
Quảng Ninh
Quảng Trị
Sóc Trăng
Sơn La
Tây Ninh
Thái Bình
Thái Nguyên
Thừa Thiên Huế
Tiền Giang
Cần Thơ
Đăk Nông
Trà Vinh
Tuyên Quang
Vĩnh Long
Toàn quốc
   
Facebook chat